Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
Với điều kiện địa hình hiểm trở, nhiều địa bàn vùng núi cao, giao thông không thuận lợi, nhiều nơi đường đất, dốc đứng, vùng hải đảo xa đất liền, dân cư sống rải rác đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập mạng lưới trường, điểm trường mầm non.
Năm học 2020-2021, cả nước có 2.687/15.480 (chiếm 17,3%) nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non; 9.836/21.326 điểm trường lẻ (chiếm 46,1%) tập trung chủ yếu và nhiều nhất tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung; còn lại vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của khu vực vùng khó khăn là 834.082/5.357.346 (đạt 59,1%), trong đó nhà trẻ 19%, mẫu giáo 86,6%; 97% trẻ em mầm non được tổ chức học 2 buổi/ngày và 82,2% trẻ em được tổ chức ăn bán trú. Tỷ lệ huy động trẻ em người dân tộc thiểu số là 528.710 (đạt 57,4%, trong đó trẻ nhà trẻ: 22,6%, mẫu giáo: 80,6%) và 96,1% trẻ em người dân tộc thiểu số được đến trường tăng cường tiếng Việt.
Mặc dù giáo dục mầm non vùng khó khăn được quan tâm đầu tư, nhưng mới chỉ thu hút được 59,1% trẻ em đến trường; số điểm trường lẻ cách xa điểm trường chính còn quá nhiều (9.836 điểm trường), gây khó để thực hiện dồn, ghép. Tỷ lệ phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ, mượn từ nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, buôn, bản còn cao (7,3%); nhiều cơ sở giáo dục mầm non thiếu diện tích, khó xây dựng kiên cố; hằng năm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để phục vụ dạy học chậm được bổ sung; điều kiện xây dựng môi trường giáo dục, môi trường sư phạm chưa bảo đảm, tỷ lệ đạt chuẩn công trình nước sạch mới đạt 68,2%. Công tác xã hội hóa, huy động, liên kết nguồn lực từ các địa phương, địa bàn thuận lợi khác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn hạn chế.
Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”.
Đối tượng của chương trình là trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục mầm non thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn.
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Chương trình đặt mục tiêu đối với trẻ em, đến năm 2030 có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ;
Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.
Đối với giáo viên, đến năm 2030 bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.
Nhiệm vụ của chương trình đề ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em; huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn…
Ngọc Yến