Mong mỏi khỏi bệnh về nhà nhưng phút chót chàng trai 10X tình nguyện ở lại chăm F0
Với những bệnh nhân Covid-19, nhận thông báo được xuất viện đó là niềm vui vô bờ bến, mong ước ngày đó từng giờ, nhưng không ít người đến phút chót đã thay đổi quyết định, xin ở lại làm tình nguyện viên chăm sóc F0.
Hai tháng, người phụ nữ 2 lần tiễn chồng, con trai lên đường vào 'tâm dịch'
Chồng đi Bắc Giang chống dịch vào tháng 5, 2 tháng sau, con trai chị Thảo (Hà Đông) lại cùng đoàn y bác sĩ Học viện Quân y lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Trần Minh Khôi (sinh năm 2000) điều trị Covid-19 tại BV Dã chiến số 3 An Khánh, Thành phố Thủ Đức, sau thời gian điều trị, khỏi bệnh Khôi xin ở lại để làm tình nguyện viên. Khôi chia sẻ khi phát hiện mình nhiễm Covid-19, triệu chứng ho, khó thở ngày càng tăng lên, bản thân cũng sốc nặng, chân tay bủn rủn.
Khôi được gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 3. Khi vào viện, Khôi luôn có cảm giác thấp thỏm âu lo, ám ảnh và sợ hãi.
Phòng bệnh của Khôi đều là những bệnh nhân nặng, người bệnh lục sục suốt đêm. Khôi cũng không ngoại lệ, cảm giác của cậu luôn bất an, không ngủ được, có lúc thu mình nhìn ra ngoài cửa số, mưa như trút nước, tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi khiến cậu càng lo hơn. Cảm giác thèm cuộc sống bình thường đến nao lòng. Có lúc, ho quá Khôi đành phó mặc cho số phận.
Điều Khôi cảm nhận được đó là mỗi ngày nhân viên y tế đều chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo. Họ hỏi han rất cặn kẽ như người nhà. Lời động viên của nhân viên y tế như tiếp thêm sức lực cho Khôi. Hơn nữa, mỗi lần từ trong phòng bệnh nhìn qua cửa số thấy đoàn người được ra viện, Khôi lại khát khao mong tới ngày mình được về nhà.
Mỗi lần nhìn các chuyến xe đưa người khỏi bệnh về nhà, Khôi cùng mọi người trỗi dậy khát vọng chiến thắng bệnh tật.
Cuối cùng, sức trẻ, niềm tin đã giúp Khôi vượt qua những giờ thở oxy thót tim. Cuối tháng 8, Khôi khỏi bệnh hoàn toàn. Ước ao được trở về nhà cháy bỏng nhưng Khôi không về mà quyết định ở lại chăm sóc các bệnh nhân nặng khác.
Tình nguyện viên Lê Hoàng Nhật Lưu đang thực hiện công việc của mình. |
Trường hợp của bạn Lê Hoàng Nhật Lưu (sinh năm 2000) cũng tương tự, từng hoang mang cực độ khi dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh trở nặng, khó thở lúc nào cũng cảm thấy lồng ngực nặng như đá đè. Suốt những ngày nằm viện là những ngày Lưu thon thót lo sợ.
Cảm giác bất an và khao khát được về nhà. Đến ngày ra phòng chờ xuất viện về nhà, nhìn thấy người bệnh chuyển phòng liên tục. Lưu thấy nhân viên y tế ai cũng vã mồ hôi, tất tả lo cho người bệnh. Những người đó cũng từng lo cho Lưu. Không đắn đo, Lưu quyết định xin ở lại hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0.
Dù là thanh niên nhưng công việc của một điều dưỡng thực thụ không khiến Lưu hay Khôi e ngại. Các cậu không ngại ngùng đỡ bệnh nhân đi vệ sinh cá nhân, không ngại thay quần áo hay thay bỉm. Khôi còn truyền tới người bệnh tin thần lạc quan, động viên người bệnh như người thân của mình.
Khôi chia sẻ, ai vào viện họ cũng trải qua cảm giác cô đơn. Nếu được động viên an ủi, trò chuyện thì tinh thần sẽ tốt lên, nhất là người già, thấy tụi trẻ tíu tít bên cạnh giúp đỡ họ cũng nguôi đi phần nào lo lắng.
Thấm vội dòng nước mắt vừa lăn xuống khẩu trang, bệnh nhân Nguyễn Thu H. tâm tình: “Tôi phải thở oxy nhiều ngày rồi, cấp cứu liên tục, giờ mới đỡ hơn được chút. Khi chưa có các tình nguyện viên là F0 (đã khỏi bệnh), từ việc đi nhà cầu, đi tiểu các y bác sĩ phải lo hết, giờ đỡ hơn phần nào nhưng số bệnh nhân chuyển nặng lại tăng lên nên nỗi nhọc nhằn nhân thêm bội lần. Ngày ra viện chắc nhớ những yêu thương đặc biệt nơi này lắm. Tuổi quá cao rồi chứ không thì khi nào âm tính tôi sẽ xin ở lại đỡ đần cho các y bác sĩ ngay”.
Khôi đang chia sẻ hỗ trợ cho một F0. |
Lưu cho biết người bệnh luôn sợ thiếu oxy để thở, vì vậy việc khuân vác bình oxy đến tận bên người bệnh và động viên họ thở tốt, tập thở giúp người bệnh an tâm hơn. Bệnh nhân khó thở thì cậu sẽ đấm lưng xoa bóp cho họ. Lưu cố gắng làm tốt nhất có thể. Từng trải qua sinh tử khi mắc Covid-19, Lưu tin rằng với những việc mình làm sẽ giúp người bệnh tốt hơn, bớt cô đơn hơn trong trận chiến với virus.
Nghĩ về những ngày rộn rã trên giảng đường đại học, Minh Khôi thổ lộ, khi dịch bệnh được khống chế chắc em lại tiếp tục trở lại trường đại học. Hiện tại, Khôi chỉ muốn ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên. Cậu tin rằng mỗi người góp một chút sức lực thì sẽ hết dịch. Hơn nữa, trải nghiệm tại bệnh viện Covid-19 sẽ là một những hành trang vào đời cho chàng sinh viên trẻ.
Hành trình 'quay vòng' của một bác sĩ mắc Covid-19
ThS BS. Nguyễn Văn Thành, BV Đại học Y dược TP.HCM, được các đồng nghiệp của anh trân trọng gọi là 'chiến binh' áo trắng. Từ bác sĩ điều trị cho F0 anh trở thành F0, điều trị khỏi anh Thành xin ở lại tiếp tục chăm sóc bệnh nhân
Phương Thúy