Hai tháng, người phụ nữ 2 lần tiễn chồng, con trai lên đường vào 'tâm dịch'
Chồng đi Bắc Giang chống dịch vào tháng 5, 2 tháng sau, con trai chị Thảo (Hà Đông) lại cùng đoàn y bác sĩ Học viện Quân y lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Anh Đỗ Anh Vân và con trai Đỗ Anh Quân ngày tiễn nhau lên đường lao vào tâm dịch (Ảnh NVCC) |
“Nói thật tôi mất ngủ mấy đêm”, chị Thảo bắt đầu câu chuyện với tôi về chồng đại tá Đỗ Anh Vân Học viện Quân y và con trai Đỗ Anh Quân, sinh viên khóa 52, Học viện Quân y đều cùng các đồng đội lao vào những điểm nóng dịch Covid- 19.
Một ngày tháng 5, lúc này anh Đỗ Anh Vân đang mang quân hàm thượng tá với vai trò là Phó Hệ trưởng Hệ quản lý học viên Quân sự, Học viện Quân y gọi điện cho vợ thông báo ngay trong đêm sẽ xuất quân đi Bắc Giang tham gia chống dịch.
“Nghe điện thoại, tôi không tin vào tai mình còn hỏi đi hỏi lại - đi thật ạ?”, chị Thảo nhớ lại. Đầu dây bên kia, giọng người đàn ông trụ cột trong nhà dứt khoát “anh đang tập hợp học viên quân y để đi”. Chị Thảo buông máy, đầu óc rối bời, lo lắng.
“Chỉ mất ít phút, nén những hoang mang, những lo lắng lại tôi vội vàng lấy đồ dùng sinh hoạt cần thiết mang đến trường cho anh. Gặp anh trong tích tắc, nhắc được anh mấy câu giữ sức khoẻ rồi lặng lẽ quay về”, chị Thảo nói.
Đại tá Đỗ Anh Vân cùng các đồng nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang (Ảnh NVCC) |
Thời điểm đó Bắc Giang, Bắc Ninh đang là điểm nóng về dịch Covid-19, đặc biệt là Bắc Giang. Đã có những khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, nhiều ca lây nhiễm trong khu nhà trọ của công nhân. Hai địa phương này đã phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Chống dịch như chống giặc nhưng kẻ thù lại vô hình. Chồng đi vào tâm dịch như thế thực sự không thể không lo. Nhưng tôi luôn tin anh cùng các đồng nghiệp sẽ vượt qua", chị Thảo nói. Rất mừng, sau đó anh và các đồng nghiệp đã trở về “trong an toàn”.
Dịch kiểm soát được ở phía Bắc thì ở các tỉnh miền Nam lại bùng phát dữ dội. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “điểm nóng” với các ca mắc tăng theo cấp số nhân. Mỗi ngày địa phương này ghi nhận hàng ngàn ca mắc với hàng trăm người chết.
F0 huyết áp cao, thừa cân tiết lộ hành trình 'từ cõi chết trở về'
"Không có gì sướng hơn được tắm nước nóng, ăn cơm canh nóng sực, và gia đình đoàn tụ", đó là những chia sẻ của Phạm Vũ T. (Quận 8, TP HCM) người vừa trở về “từ cõi chết”.
Một lần nữa, chị Thảo lại nhận được tin con trai Đỗ Anh Quân, sinh viên khóa 52 lên đường hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Dù đã “chuẩn bị tinh thần” nhưng nghe con gọi về báo tin sẽ tham gia cảm giác chị vẫn bồn chồn, lo lắng.
“Xác định từ trước khi đăng ký tuyển vào quân đội, lại học ngành Y, khi quân đội cần lúc nào là phải đi làm nhiệm vụ lúc đó. Vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân chiến đấu. Nhưng với vai trò là người mẹ, tôi không thể không lo.
Cũng vẫn cảm giác lo lắng như khi biết tin chồng đi Bắc Giang chống dịch nhưng lần này chị yên tâm hơn, vì trước khi đi mấy ngày, con được tập huấn rất cụ thể và chi tiết từ cách mặc quần áo bảo hộ, đảm bảo an toàn, cách lấy mẫu đóng gói, hồi sức cấp cứu...”, chị Thảo nói.
Không gấp gáp như lần tiễn chồng đi Bắc Giang, lần này, người mẹ ấy có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đồ cho con trai. Chị cẩn thận mua rất nhiều lương khô, xúc xích, bánh kẹo, vitamin C và khẩu trang.
“Tôi chuẩn bị nhiều hơn so với dự kiến, đặc biệt là khẩu trang (dẫu biết rằng con được nhà trường trang bị) nhưng tôi vẫn để con mang đi nhiều hơn phòng tình huống bị mất, hoặc bạn bè mất thì có cái thay thế. Thậm chí có thể hỗ trợ thêm bà con trong đó trong lúc cần kíp”, chị Thảo cho hay.
Ngoài những món đồ, người mẹ còn không quên dúi thêm cho con ít tiền “để hỗ trợ bà con” với lời dặn dò “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đến giờ khi con trai đã “đóng quân” tại xã Trung An (huyện Củ Chi) được hơn hai tuần. Ngày ngày chàng trai trẻ đi lấy mẫu từ 6h sáng đến chiều tối thậm chí có hôm đến 8h30 mới về đến nơi nghỉ.
“Biết là vất vả, điều kiện sinh hoạt khó khăn, đồ ăn không hợp vị nhưng ngày nào gọi điện cho mẹ con cũng bảo con khoẻ, mẹ đừng lo. Tôi cũng yên lòng. Chỉ mong dịch sớm được kiểm soát, để con an toàn trở về, bình yên bước vào năm học thứ 4 đời sinh viên quân y”, chị Thảo nói.
N. Huyền