Mỗi người dân Đà Nẵng là một đại sứ du lịch, thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng
Năm 2022, Đà Nẵng đón 3,69 triệu lượt khách du lịch, tăng 3,1 lần so với năm 2021, tăng 5% so với kế hoạch UBND thành phố giao.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483 nghìn lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021; khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2021 và 2,5% so với năm 2019.
Tại hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức chiều 28/12, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá, năm 2022 là năm khởi động du lịch trong bối cảnh khó khăn, một số thị trường quốc tế chưa mở cửa. Mặc dù vậy, du lịch thành phố đã có nhiều khởi sắc, thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy, lan toả phát triển các ngành kinh tế khác.
“Tuy nhiên, so với phục hồi chung của cả nước về thị trường khách quốc tế (19,4%) thì Đà Nẵng chỉ đạt hơn 16%. Mặc dù chúng ta có nhiều hỗ trợ nhưng sự phục hồi vẫn chậm hơn. Vì vậy ngành du lịch Đà Nẵng cần xem kỹ những hạn chế, khó khăn gì? Vì sao lại thấp hơn sự phục hồi chung của cả nước. Bên cạnh đó, lượt khách tăng 3,1 lần nhưng doanh thu tăng 3,5 lần, điều đó cho thấy khách có chiều hướng chi tiêu nhiều hơn. Vì thế cần phân tích, đánh giá nhu cầu, đối tượng khách đến Đà Nẵng”, bà Yến nhấn mạnh.
Cũng theo bà Yến, Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, có sân bay quốc tế, nằm trung tâm của 4 điểm di sản văn hoá thế giới là Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế. Đà Nẵng có danh thắng Ngũ Hành Sơn, nghề đá, Lễ hội Quan Thế Âm… những điểm văn hoá sâu sắc khiến khách có thể quay lại nhiều lần. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng…
“Đây là những điều kiện để phát triển du lịch mà Đà Nẵng cần phải phát huy tối đa lợi thế. Được mệnh danh là thành phố điểm đến của các sự kiện, Đà Nẵng phải đi cả hai bước, bán những sản phẩm du lịch đã có và những thứ khách du lịch cần. Thành phố xác định du lịch và dịch vụ là ngành mũi nhọn quan trọng vì thế cần tập trung nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi người dân sống trong thành phố du lịch cần chăm chút từng li từng tí thái độ với du khách. Việc này cần phải làm một cách kiên trì, bền bỉ”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thêm.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã khôi phục được 15 đường bay quốc tế.
Năm 2023 được đánh giá là năm nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế toàn cầu suy thoái, người dân các nước có xu hướng thắt chặt chi tiêu; công ty lữ hành thiếu vốn, thiếu nhân sự. Sau dịch Covid-19, cấu trúc khách thay đổi, xu hướng khách đi du lịch theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình, tự mua vé máy bay, thuê xe nên khiến các mắt xích trung gian như đại lý, công ty lữ hành giảm vai trò…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, để khôi phục phát triển các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng cần đánh giá tiềm năng, tập trung khôi phục thị trường trọng điểm; tăng tần suất bay ở các khu vực có tín hiệu khách tốt.
Bên cạnh đó, cần có sản phẩm chiến lược thuỷ nội địa; xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng như thương hiệu thành phố sự kiện, thành phố biển, thành phố tổ chức tiệc cưới; tập trung tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, giới siêu giàu, tỷ phú…
Đặc biệt ông Dũng cũng nhấn mạnh, mỗi người dân Đà Nẵng phải là một đại sứ du lịch. Lâu nay khách du lịch ấn tượng với con người Đà Nẵng và Đà Nẵng cần làm tốt, phát huy hơn nữa điều này.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2023, Đà Nẵng thực hiện chủ trương là năm tập trung khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ngành du lịch đặt mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn “chất lượng cao”, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông- xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến. Phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so với năm 2022.
Tập trung phát triển thị trường nội địa, ưu tiên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh phía Bắc, TP.HCM… Đồng thời, khôi phục lại và đẩy mạnh thị trường quốc tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Malaysia; tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao như Mice, Golf.
Diệu Thuỳ