Làng chài khấm khá nhờ nghề làm nước mắm truyền thống kết hợp du lịch
Nam Ô (phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là một làng chài nhỏ nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân nổi tiếng với nghề đánh cá và làm nước mắm.
Nghề làm nước mắm tại Nam Ô hình thành từ đầu thế kỷ XX. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay nước mắm Nam Ô vẫn giữ vẹn nguyên hương vị đặc trưng của làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Năm 2019, nước mắm Nam Ô được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Điều đặc biệt của nước mắm Nam Ô so với nước mắm ở các vùng khác đó là nguyên liệu, công thức chế biến riêng, theo phương pháp cổ truyền hàng trăm năm nay.
Nước mắm Nam Ô được làm từ nguyên liệu 100% là cá cơm than, đánh bắt vào khoảng tháng 3 và tháng 8 hằng năm. Cá đem muối là loại cá có kích thước vừa phải, béo tròn, tươi xanh và được rửa sạch bằng nước biển.
Còn muối để muối cá là hạt muối to, trắng, lấy từ vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Muối mua về không dùng để muối ngay mà phải ủ trong vòng 6 tháng để hết vị chát, đắng, loại bỏ hạt muối non.
Cá và muối được trộn theo tỷ lệ 10kg cá 4kg muối, tất cả trộn đều rồi ủ trong chum sành. Các mẻ cá được ủ trong thời gian 12-18 tháng. Sau đó dùng phễu tre đan và vải để lọc nước mắm.
Theo người dân làng nghề, để có được giọt nước mắm Nam Ô thơm ngon chính hiệu phải tuân thủ quy trình làm nước mắm nghiêm ngặt. Chỉ cần nguyên liệu không chuẩn, hoặc quy trình sơ ý một chút là nước mắm sẽ có vị khác ngay.
Nước mắm Nam Ô có vị thơm, ngọt tự nhiên, màu nâu hổ phách, độ đạm khoảng 30-40 độ. Đặc biệt nước mắm Nam Ô không sử dụng bất kỳ loại hoá chất, phụ gia nào.
Đã có thời gian, nghề làm nước mắm Nam Ô bị mai một. Từ năm 2004, nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, làng nghề nước mắm Nam Ô đã từng bước khôi phục. Năm 2020, Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” với tổng kinh phí đầu tư trên 46 tỷ đồng.
Mục đích của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị lành nghề nước mắm Nam Ô, hướng đến xây dựng làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo; khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hoá; giới thiệu phong tục tập quán, sản phẩm của làng chài Nam Ô đến với du khách. Đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đến nay làng nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô đã được khôi phục, phát triển, tạo công ăn việc làm, thu nhập khá cho người dân. Mỗi năm làng Nam Ô xuất đi các thị trường trong và ngoài nước khoảng 200.000 lít nước mắm. Không những thế, làng nghề còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi tới thành phố biển.
Bà Phan Thị Ngọc Bích (70 tuổi), cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ chia sẻ, gia đình bà đã có 4 đời làm nghề nước mắm truyền thống.
Nhiều năm trước, vợ chồng bà cũng định từ bỏ làm nghề vì tuổi đã cao, nghề làm nước mắm lại vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất hiện hàng loạt nước mắm công nghiệp khiến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.
Tuy nhiên, không muốn nghề làm truyền thống mai một, con trai bà là anh Bùi Thanh Phú đang làm giáo viên đã quyết định nối nghiệp gia đình, tạo ra nhiều thay đổi trong việc quảng bá, phân phối sản phẩm.
Sản phẩm làm ra chú trọng mẫu mã, chất lượng, đem kết nối tại các hội chợ, siêu thị, bán online. Nhờ vậy thương hiệu nước mắm truyền thống ngày càng được biết đến nhiều hơn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn đi khắp nơi trên cả nước.
“Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi tiêu thụ khoảng 30 tấn cá cơm để làm nước mắm, tạo việc làm cố định cho 3 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm Tết năm ngoái, cơ sở bán được 7.000 lít nước mắm đi khắp mọi miền”, bà Bích chia sẻ.
Đặc biệt, bà Bích cho hay, vài năm gần đây, cơ sở của bà thường xuyên đón tiếp các tour du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Nhờ đó mà những hộ làm nghề nước mắm truyền thống còn có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ việc kết nối du lịch, đời sống của người dân làng nghề ngày càng khấm khá.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, hiện nay làng nghề có 92 hộ làm mắm, trong đó có hơn 60 hộ tham gia hội, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 HTX và 1 doanh nghiệp.
Diệu Thuỳ