Mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận”: Nét mới ở nông thôn Cà Mau
Mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” sẽ giúp nông dân vượt qua khó khăn, qua đó giúp tỉnh Cà Mau đạt kết quả cao về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nhiều ưu điểm
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai thực hiện thí điểm thành công mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận”, qua đó, góp phần hạn chế ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường, đảm bảo thu nhập và giúp bà con yên tâm sản xuất.
Trong vụ lúa hè thu năm 2021, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà đã triển khai canh tác thí điểm giống lúa OM18 trên tổng diện tích 39ha, với sự tham gia của 17 hộ nông dân tại xã Khánh Bình Đông. HTX cam kết “bao lợi nhuận” 8 triệu đồng/ha, còn nông dân trả lại cho HTX 5 tấn lúa tươi/ha, trường hợp năng suất vượt hơn 5 tấn/ha thì phía HTX sẽ thỏa thuận giá thu mua trước khi thu hoạch từ 7 - 10 ngày.
HTX cũng cam kết chi trả toàn bộ chi phí vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên diện tích thực hiện mô hình. Người nông dân còn được chi trả tiền công khi trực tiếp lao động sản xuất trên ruộng của mình.
Theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, nếu so với mô hình sản xuất lúa bình thường thì mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” có nhiều ưu điểm nổi bật và đem lại hiệu quả cao. Người nông dân được hỗ trợ tổ chức sản xuất từ khâu chuẩn bị đồng ruộng đến kết thúc vụ lúa; được đầu tư nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo số lượng và chất lượng, không lo biến động giá vật tư; được sử dụng thiết bị máy móc hiện đại trong canh tác lúa, giảm chi phí sản xuất; có đội ngũ quản lý, giám sát đồng ruộng hướng dẫn người dân canh tác; không lo mất giá...
- Mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” góp phần hạn chế ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường, đảm bảo thu nhập và giúp bà con yên tâm sản xuất. Ảnh: Hữu Huệ |
Tiếp tục hoàn thiện mô hình để nhân rộng
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tổng kết mô hình thí điểm “bao lợi nhuận” sản xuất lúa.
Tại cuộc họp này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo kết quả mô hình thí điểm “bao lợi nhuận” sản xuất lúa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị, đối tác có liên quan rà soát những vấn đề thực tiễn đặt ra thông qua kết quả thực hiện mô hình thí điểm, các phản ánh, kiến nghị của địa phương, đơn vị, hợp tác xã và người dân, để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện mô hình.
Trong đó, về cơ chế hợp tác giữa các HTX với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cần xác định rõ vai trò, quyền lợi của HTX trong các hoạt động dịch vụ, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững hơn so với phương thức các hợp tác xã đã thực hiện trước đây.
Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đang làm dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn cùng thực hiện mô hình (cơ sở dịch vụ cung cấp giống, vật tư, làm đất, máy gặt…).
Ngoài ra, cần rà soát các khoản chi phí, định mức, đơn giá, năng suất, trên một đơn vị diện tích, theo từng mùa vụ, qua đó tính toán sát với thực tiễn, làm cơ sở định ra các tỷ lệ ăn chia lợi nhuận phù hợp để vận động, thuyết phục hợp tác xã, người dân tham gia.
Sau khi mô hình hoàn thiện, một trong những nội dung công việc cần tập trung triển khai là thông tin tuyên truyền, phổ biến mô hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến mô hình bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu để người dân hiểu rõ hơn mô hình, tích cực đăng ký tham gia thực hiện.
Đối với vụ lúa - tôm và đông xuân năm 2021, ngoài việc hoàn chỉnh mô hình tại xã Khánh Bình Đông, đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu, linh hoạt thực hiện các phương thức hợp tác khác (cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm,…); triển khai trước các công việc có thể thực hiện (triển khai, giới thiệu công nghệ, thiết bị máy móc,…).
Sau đó, UBND cấp huyện nghiên cứu, lồng ghép các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án trên địa bàn vào các hoạt động hợp tác để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Xuân Bách