Miệt thị người xin cơm từ thiện, đừng trịch thượng ban phát
“Cuộc đời là vô thường, không ai biết trước ngày mai thế nào, không vì có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện mà lên giọng kẻ cả trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó...Thành viên một nhóm thiện nguyện chia sẻ
3 đoạn clip quay cảnh phát cơm từ thiện tại Sài Gòn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội (MXH), trong đó có những câu nói khiến nhiều người phản ứng gay gắt:
"Ông ơi ông kéo quần lên ông đừng gãi sồn sột thế! Ông gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ cái kia ra cái bàn phát cơm... Khiếp! Ông kéo cái quần lên tận bẹn sau đó ông gãi cứ sồn sột lên mà chỉ sợ nó văng cái con nọ con kia ra. Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả".
"Thanh niên kia đi ra ngoài đi, không phát cơm cho em. Bụi đời không phát, những người thiếu ý thức không bao giờ phát, không cho. Cho người có ý thức, còn người thiếu ý thức không bao giờ cho. Đang phát cơm mà xông vào là không bao giờ cho'
‘’Đi ra ngoài đi, không phát! Hai người này không phát. Không phát cho cô. Đi ra ngoài đi. Cho người có ý thức chứ không cho người không có ý thức".
"Không có cơm thì về lấy mì ăn. Không có mì sao người mập thế? Em nhìn anh phải bảy tám mươi cân đấy".
Được biết, cả 3 đoạn clip ngắn này đều được quay bởi chính những người phát cơm và họ chủ động đăng lên facebook.
Hai người bị "đuổi" không cho cơm chỉ vì "thiếu ý thức" và "bụi đời" |
Chia sẻ với phóng viên Infonet, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng đó là những hành vi “không thể chấp nhận được”.
TS Hồng nói bà đã xem các clip này và thấy có nhiều bình luận hết sức phẫn nộ với những lời nói phản cảm như vậy, song không thể tin đó là sự thật.
"Tôi nghi ngờ có ai đó quay cảnh phát cơm rồi lồng tiếng vào. Tôi không tin những người đã có tấm lòng làm việc thiện lại có thể buông ra những lời nói như vậy. Nhưng dù là ai thì những lời nói đó cũng không thể chấp nhận...
Vì nếu đã đi làm từ thiện thì phải có tấm lòng nhân ái, cảm thông. Dù bất cứ lý do gì cũng không được xúc phạm người nhận.
Có thể có trường hợp một số người nhận muốn nhận nhiều hơn hoặc không thuộc diện được nhận hỗ trợ thì cũng nên ôn tồn giải thích để không gây hiểu lầm", TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, đã đi làm từ thiện tốt nhất không nên ghi hình, ghi âm rồi chia sẻ rộng rãi. Tất nhiên luôn có những người lợi dụng làm từ thiện để trục lợi, để đánh bóng tên tuổi. Đương nhiên hành động đó không được hoan nghênh.
Anh Hoàng Huy, thành viên nhóm “Bánh mỳ Saigon 0 đồng” những ngày qua anh cũng hối hả kêu gọi sự chung tay của cộng đồng đóng góp cho quỹ, vừa tìm tình nguyện viên đi “bán” những suất bánh mì, xôi 0 đồng cho những người vô gia cư, người già neo đơn, lao động đường phố, lao động mất việc gặp khó khăn…
Anh Huy cho biết, ngày qua, không biết bao người nhắc tên (tag) anh trong đoạn video clip phát cơm từ thiện ở Saigon gây xôn xao MXH những ngày qua.
“Có chút vui vì có người cùng làm một việc tốt để giúp cho người dân TP.HCM bớt khó khăn, nhưng nhiều chút buồn vì những lời lẽ và quan điểm của bạn ấy”, anh Huy cho biết.
Anh Huy cho rằng, làm từ thiện nên là sự trao gửi yêu thương chân tình, chứ không bao giờ nên là sự ban phát người trên - kẻ dưới.
"Bởi “cuộc đời là vô thường vô định, không ai biết trước ngày mai như thế nào”, không vì có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện mà lên giọng kẻ cả trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó...
Người ta phải làm cái gì để chứng minh cái sự nghèo sự khổ của bản thân nữa khi mà người ta đã phải đứng đấy để chờ nhận phần ăn từ thiện?
Hãy trao đi không chỉ một phần cơm hay chiếc bánh, mà hãy trao kèm theo đó cả một sự sẻ chia chân thành, với những người đồng bào đang hoạn nạn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng cần được tôn trọng”, anh Huy nói.
Sở dĩ nói ra điều này, bởi theo anh Hoàng Huy: “Trên đời này có ai muốn nghèo, muốn khổ để chìa tay nhận ra cái bánh, hộp cơm? Họ đã phải dẹp lòng tự trọng của con người để nhận sự cứu giúp, đó đã là một sự khổ đau tận cùng trong thâm tâm rồi. Đừng giày xéo họ thêm nữa bằng những ngôn từ vô cảm, lạnh lùng, sắc cạnh.
Hãy mỉm cười dù chỉ bằng ánh mắt và chọn lời thân ái để nói với họ rằng: Đừng ngại ngần, hãy đến đây cầm lấy bánh mà ăn; cầm lấy nước mà uống, rồi những khó khăn này cũng sẽ qua thôi, người anh em ráng giữ sức khoẻ nhé.
Họ nhận cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, ta cho cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Lời lẽ ấy sẽ vỗ về những tâm hồn đang tạm thời thương tổn vì đói nghèo, họ cũng như ta, máu đỏ da vàng. Hãy để họ đón nhận lấy phần cơm, tấm bánh mà ăn trong sướng vui, hạnh phúc chứ không phải ăn trong nước mắt tủi nhục. Vậy nên nếu đã có tâm làm việc tử tế, xin hãy tử tế đến tận cùng”.
Chia sẻ với PV, anh Huy thông tin thêm, bản thân anh cùng các bạn bè vẫn đi “bán” bánh mỳ mỗi tối kể từ ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Trong hành trình “bán” hàng ấy, nhiều người họ xin thêm một đôi phần với nhiều lý do. Anh nói anh biết họ có thể đang nói dối, không có bố hay mẹ, cháu hay con nào ở nhà cả; có chăng là họ đang lo lắng ngày mai sẽ chẳng có cái mà ăn, “tham” thêm một chút để giữ lấy cái mà để dành.
“Thường thì mình sẽ không đi đến tận cùng sự thật trong tình huống này, mình chọn ứng xử khờ khạo để giữ lấy bao dung. Nếu mình bóc mẽ họ, họ sẽ có thể không lấy được thêm một phần ăn nhưng nếu lỡ họ nói thật thì sao, tối đó một ổ bánh mỳ phải bẻ làm đôi làm ba, trong khi nếu như mình khờ đi một chút, ai cũng sẽ được no bụng, cái tốt sẽ được trọn vẹn hơn”, anh Hoàng Huy kể.
"Những ngày này, TP.HCM đã ngột ngạt lắm rồi, đừng để sự nghi ngờ làm bức bối hơn nữa, nhất là những cảnh đời khốn khó. Thiện lương đôi khi là sự khôn ngoan phải biết nhắm mắt khi cần.
Đừng để những định kiến, những ngôn từ vô cảm, những suy nghĩ ngờ vực bao trùm lên hạnh nguyện tốt đẹp mà mỗi chúng ta đang làm", anh Huy bộc bạch.
N. Huyền