MH370 mất tích: Lộ rõ điểm yếu của hàng hải ASEAN
Theo tờ Diplomat, sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 đã khiến giới truyền thông và các chuyên gia trong khu vực đặt câu hỏi về khả năng phản ứng nhanh của hải quân các nước trong bối cảnh xảy ra tranh chấp hàng hải cũng như hợp tác tìm kiếm cứu nạn song phương.
Sau khi MH370 mất tích, các quốc gia trong khối ASEAN đã nhanh chóng điều động tàu thuyền và máy bay tới tham gia công tác tìm kiếm. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, khi công tác tìm kiếm chưa thể đưa ra bất cứ kết luận gì về số phận của MH370, nhóm cứu hộ của Malaysia đã nhanh chóng trở thành đối tượng bị dư luận chỉ trích.
Mỹ từng điều tàuUSS Kidd tới tham gia tìm kiếm và cứu nạn chuyến bay MH370 mất tích trên Biển Đông |
Hôm 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc họp báo quốc tế. Ông Razak cũng chính thức công bố việc MH370 đã đổi hướng bay có chủ ý và bay về phía tây, không thuộc khu vực Vịnh Thái Lan và Biển Đông – nơi mà máy bay và tàu thuyền của các nước lục sùng tìm kiếm trong những ngày qua. Vào thời điểm đó, theo Thủ tướng Razak, 14 quốc gia cùng 43 tàu thuyền và 58 máy bay tới từ nhiều quốc gia đã tham gia cứu hộ MH370.
Trong khi radar quân sự của Malaysia thông báo họ phát hiện địa điểm cuối cùng của MH370 là khi nó đang bay trên báo đảo Malay và hướng ra Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, hình ảnh từ các vệ tinh thương mại lại cho thấy khả năng MH370 còn bay thêm từ 6 – 7 giờ đồng hồ hướng về khu vực phía bắc qua vùng đồng bằng rộng lớn Trung Á hoặc hướng về phía nam qua Ấn Độ Dương.
Ngay sau cuộc họp báo của Thủ tướng Najib, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xie Hangsheng đã lập tức đề nghị phía Malaysia cung cấp "thêm thông tin chính xác" về khu vực tìm kiếm mở rộng MH370.
Tờ Tân Hoa Xã còn phê phán chính phủ Malaysia về việc thiếu minh bạch thông tin và chậm công bố những chi tiết quan trọng liên quan tới sự mất tích bí ẩn của MH370. Thậm chí, Tân Hoa Xã cho rằng nỗ lực tìm kiếm tại Vịnh Thái Lan là "cực kỳ phí phạm thời gian và nhân lực".
Tân Hoa Xã còn yêu cầu Boeing, nhà sản xuất chiếc Boeing 777-200 cùng Rolls Royce, nhà sản xuất động cơ máy bay và Mỹ "siêu cường quốc tình báo nên "làm tốt hơn nhiệm vụ chia sẻ thông tin với Trung Quốc".
Bỏ qua những lời chỉ trích của Trung Quốc, cuộc tìm kiếm MH370 đã thể hiện rõ nét những thiết hụt nghiêm trọng trong nỗ lực thành lập một quy chế điều hành một cách hiệu quả các tình huống tìm kiếm và cứu nạn trong khu vực.
Điển hình, vào tháng 4/1972, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Hàng không dân sự thế giới đã ký kết Thỏa thuận tạo điều kiện tìm kiếm các máy bay gặp nạn và tìm kiếm các nạn nhân sống sót trong thảm họa máy bay.
Trong đó, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia cũng đã tham gia thỏa thuận 1972 khi gia nhập cộng đồng ASEAN. Tới tháng 11/2006, 7 quốc gia trong ASEAN đã tổ chức cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn kéo dài 3 ngày.
Hơn 100 máy bay và tàu thuyền các nước tham gia tìm kiếm MH370 của Malaysia Airlines |
Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN – Trung Quốc trong công tác tìm kiếm và cứu nạn vẫn còn rất nhiều hạn chế. Điển hình, vào ngày 7/12/2004, Trung Quốc và ASEAN đã đồng thuận thành lập một "Nhóm công tác chung" chuyên giám sát cũng như hợp tác tìm kiếm và cứu hộ trong chương trình "Thực thi tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông" (DOC). Theo đó, DOC được Trung Quốc ký kết với 10 quốc gia thành viên của ASEAN vào tháng 11/2002.
Mặc dù, "Nhóm công tác chung" ra đời năm 2004 song không một hướng dẫn việc thực thi DOC được đề ra cho tới năm 2011. Tới tháng 6/2013, ASEAN và Trung Quốc mới tổ chức một cuộc hội thảo tăng cường hợp tác tìm kiếm và cứu hộ trên biển.
Trong cuộc họp của các quan chức cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 6 và cuộc họp Nhóm công tác chung về Thực thi DOC lần thứ 9, được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một "đường dây giúp đỡ khẩn cấp hàng hải" cũng như tổ chức một cuộc diễn tập chung tìm kiếm và cứu nạn trên biển.
Trong vụ mất tích của MH370, đơn vị quân đội của các nước luôn tiên phong trong công tác tìm kiếm và cứu nạn. Tuy nhiên, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN lại không coi đây là ưu tiên hàng đầu.
Điển hình, trong Cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) được thành lập vào năm 2006, giới chức các nước chưa từng đề cập tới nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Ngay cả các tướng hải quân ASEAN cũng tiếp cận chủ đề này một cách khá rụt rè.
Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 đã buộc Malaysia tự rút ra những bài học cho riêng mình và khuyến cáo các nước trong ASEAN về việc xử lý cũng như xác minh các nguồn thông tin từ giới chức hàng không dân sự, radar quân sự, thông tin từ các vệ tinh thương mại và vệ tinh tình báo. Một điều rõ ràng là các nước cũng cần phải học cách cân bằng giữa việc cung cấp và tính chính xác của nguồn thông tin.
Ban đầu, phạm vi tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích diễn ra tại Vịnh Thái Lan và Biển Đông nằm sát vùng biển mà Trung Quốc tự tuyên bố "đường chín đoạn". Tuy nhiên, bất chấp việc một số quốc gia từng xảy ra tranh chấp lãnh hải, tất cả các nước ven biển trong khối ASEAN ngoại trừ Campuchia, đã cùng Malaysia tham gia tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích.