Mâu thuẫn bùng nổ ở châu Âu vì người tị nạn Ukraine
Thực tế là những người di cư Ukraine được cấp giấy phép cư trú và thị thực tự động, điều này không thể nói đến những người đến từ Afghanistan hay Syria. New York Times cho rằng, những người đến sau đang cảm thấy gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện tại.
New York Times dẫn câu chuyện của Basharmal Mohammadi, một người gốc Afghanistan, người đàn ông này cùng với 7 người đồng hương buộc phải sống dưới cầu thang bê tông, ngồi trên các thùng các tông, cách không xa Cung điện Hoàng gia Bỉ.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống như thế này trên đường phố ở châu Âu. Đất nước chúng tôi đã chiến tranh trong 45 năm, và tôi đã hy vọng rằng tôi có thể đạt được một cuộc sống tốt hơn ở đây”, Mohammadi chia sẻ.
Theo nhà hoạt động người Đức David Schmidtke, một hệ thống nhiều tầng gây bất lợi và phân biệt đối xử đối với những người tị nạn không đến từ Ukraine. Ông gọi sự phân chia người nhập cư thành hai giai cấp là “sự phân biệt chủng tộc theo thể chế”.
Trong khi đó, Đức lo ngại rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ thúc đẩy căng thẳng chống di cư. Nếu người Ukraine trước đó được chào đón ở châu Âu, thì giờ đây, họ gây ra một số mâu thuẫn.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine đã được đăng ký tại nước này. Theo ông Scholz, dòng người Ukraine đang là thách thức đối với nước này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, đây là làn sóng người tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Theo số liệu tại hội nghị các bộ trưởng giáo dục tổ chức tại Berlin, gần 155.000 học sinh Ukraine đã nhập học tại các trường học ở nước này cho đến cuối tuần trước.
Đài phát thanh và truyền hình Đức MDR.de cho biết, ngày càng nhiều thành phố của Đức từ chối tiếp nhận người sơ tán Ukraine.
Nhiều người đã rời khỏi Ukraine do xung đột để đến Đức, trong khi ngày càng có nhiều người xin tị nạn đến từ các khu vực khác qua ngả Đông Nam châu Âu. Do đó, nhiều chính quyền địa phương ở Đức đang cảm thấy quá tải và buộc phải gióng lên hồi chuông báo động.
Gần đây nhất, chính quyền của các thành phố Magdeburg, Gera và Halle tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người di cư vì đã gần đạt giới hạn.
Hiện tại nhiều địa phương của Đức phải trưng dụng các phòng tập thể dục của trường học, cũng như nhà trọ, khách sạn và ký túc xá để tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine và nhập cư từ các khu vực khác, nhưng điều này không đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu.
Ước tính có hơn 1 triệu người Ukraine đã đến Đức kể từ cuối tháng 2 năm nay. Trong khi tìm được nơi an toàn, triển vọng công việc của họ dường như không chắc chắn.
Theo chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU), những người sơ tán từ Ukraine được cấp quy chế bảo vệ ở EU trong tối đa 3 năm - cũng như được tiếp cận với bảo hiểm y tế và thị trường lao động.
Hạ Thảo (lược dịch)