Lý do bất ngờ vụ EVN dừng đột ngột mua điện mặt trời Trung Nam
Thông tin trên được Bộ Công Thương đề cập trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.
Lý do khiến công trình chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu, theo Bộ Công Thương, là do chủ đầu tư thi công dự án không đúng thiết kế được thẩm định, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã xử lý sai phạm về thi công công trình chưa đúng quy định và yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm.
Hiện chủ đầu tư đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế xây dựng và hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình.
Theo Bộ Công Thương, công trình nhà máy điện mặt trời Trung Nam (gồm nhà máy điện có công suất 450MW, trạm biến áp 500kV, các đường dây 220kV và 500kV đấu nối) chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Ninh Thuận chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư điện mặt trời Trung Nam khẩn trương tháo dỡ phần công trình vi phạm, có phương án điều chỉnh thiết kế xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình và các thủ tục pháp lý theo quy định.
Chủ đầu tư cần báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu và phối hợp với EVN để đưa phần công suất chưa có cơ chế giá của dự án vào vận hành theo quy định.
Dự án điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn. Theo đó, nhà đầu tư không chỉ làm nhà máy điện mà phải đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 KV - đường dây 500KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án điện mặt trời 450MW nhằm bù đắp chi phí của nhà đầu tư đã xây dựng trạm 500KV.
Tuy nhiên, đến nay, mới có khoảng 277,88 trên tổng công suất 450MW của dự án có giá bán điện.
Câu chuyện EVN dừng huy động 172 MW Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã nóng trở lại, khi được Ban Dân nguyện đề cập tới trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 2, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 15/3.
Báo cáo cho hay, đây là một trong những đề xuất giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài.
Theo đó, ngày 8/3, Ban Dân nguyện đã chủ trì, phối hợp với một số cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các bộ, ngành có liên quan.
Cụ thể là EVN dừng huy động 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ngày 1/9/2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện, đồng nghĩa với việc Dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế gây thiệt hại cho Công ty (mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng).
Trên địa bàn Ninh Thuận còn dự án Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng lâm cảnh tương tự.
Tập đoàn Trung Nam cho rằng: Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, như vậy sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, khiến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời chưa xác định giá mua điện, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 200kV”.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần kiến nghị cần ưu tiên khai thác tối đa công suất nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW và sớm có giá bán cho lượng công suất điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán.
Lương Bằng