Lực lượng Không quân Iran sẽ bắt đầu huấn luyện với máy bay Su-35 của Nga
Sau khi Lực lượng Không quân Iran tuyên bố chính thức vào tháng 9/2022 rằng đang xem xét mua sắm các máy bay chiến đấu hạng nặng Su-35 của Nga, ngày 9/12, các quan chức Mỹ cho biết, các phi công Lực lượng Không quân Iran sẽ bắt đầu được huấn luyện vận hành máy bay ở Nga từ đầu năm tới, với việc bàn giao các máy bay đầu tiên dự kiến bắt đầu từ năm 2023.
Hợp đồng này diễn ra sau khi Iran gia tăng xuất khẩu vũ khí sang Nga để hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đặc biệt là máy bay không người lái của Iran được coi là yếu tố thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi cho Nga.
Phía Mỹ dự báo Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp cho Nga một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong thời gian tới.
Do đó, các quan chức Mỹ đã đề cập đến sự hình thành của một “mối quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện” giữa Nga và Iran, trái ngược hoàn toàn với sự do dự trước đây của Nga trong việc tăng cường quan hệ an ninh với Tehran do áp lực của phương Tây và Israel.
Khi các quan chức Mỹ nhấn mạnh mối quan hệ đối tác quốc phòng này sẽ gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Iran, xuất hiện các luồng quan điểm cho rằng các báo cáo về việc Lực lượng Không quân Iran sắp tăng cường sức mạnh với các máy bay chiến đấu của Nga có thể chủ yếu nhằm gây áp lực đối với các quốc gia Arab bị phương Tây chỉ trích vì đã không ủng hộ các quan điểm của phương Tây chống lại Nga và vì việc tăng cường quan hệ của họ với Trung Quốc.
Các báo cáo về việc đào tạo phi công Iran để vận hành Su-35 xuất hiện khi Arab Saudi tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo của các quốc gia Arab chủ chốt.
Điều này khiến nhu cầu hợp tác với Mỹ với tư cách là một đối tác chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Quá trình hiện đại hóa Lực lượng Không quân Iran từ lâu đã bị sao nhãng, với phần lớn phi đội bay được hình thành từ các máy bay phản lực F-5 và F-4 của Mỹ vào những năm 1970.
Các phi đội máy bay này đã được hiện đại hóa, được bổ sung bởi một số máy bay thế hệ mới hơn F-14 “Tomcats” được mua vào giữa cuối những năm 1970, các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 của Liên Xô được chuyển giao vào những năm 1990.
Tuy nhiên, sức mạnh không quân của Iran chủ yếu đang dựa vào phi đội máy bay không người lái đa dạng và số lượng lớn hiện có.
Một số mẫu vũ khí đã chứng minh được khả năng tác chiến tinh vi và mạnh mẽ trên chiến trường. Nhu cầu của Iran trong việc mua sắm các loại máy bay chiến đấu có người lái hiện đại đã được đồn đoán từ lâu.
Trước đó, Iran từng có kế hoạch hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu bằng các máy bay thế hệ thứ tư MiG-29 của Liên Xô vào những năm 1990, nhưng đã bị phương Tây can thiệp, gây áp lực chính trị cho nhiều quốc gia kế thừa của Liên Xô.
Mặc dù các máy bay J-10C của Trung Quốc trước đây được coi là ứng cử viên hàng đầu để hiện đại hóa Không quân Iran với chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì thấp hơn đáng kể so với Su-35, việc Nga có nhu cầu mua sắm các máy bay không người lái của Iran và có thể cả tên lửa của nước này đã cho phép Tehran có thể mua sắm các máy bay Su-35 như một phần của thỏa thuận hàng đổi hàng.
Theo các nguồn tin quân sự của Mỹ, Iran có thể sẽ mua 1/3 trong tổng số 64 máy bay chiến đấu Su-35 được dự định sản xuất nhằm đáp ứng các hợp đồng mua sắm vũ khí giữa Nga với Indonesia và Ai Cập, tuy nhiên hiện đã bị đình chỉ do áp lực của phương Tây.
Hạ Thảo (lược dịch)