Luật hình sự Việt Nam quy định thế nào về tội buôn bán người?
Bộ Luật hình sự năm 1985 quy định tại Điều 115 về “Tội mua bán phụ nữ”. Tuy nhiên, nội dung quy định đơn giản như sau: “1- Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: a) Có tổ chức; b) Để đưa ra nước ngoài; c) Mua bán nhiều người; d) Tái phạm nguy hiểm”
Đến Bộ luật Hình sự năm 1999, tội danh liên quan đến hành vi buôn bán người đã được quy định thành 2 điều Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
Như vậy, 2 Bộ Luật hình sự thứ nhất và thứ 2 chỉ quy định đối tượng được bảo vệ hẹp, chỉ có phụ nữ và trẻ em. Do đó, thời điểm đó, chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị những hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, các yếu tố cấu thành của Tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng còn những điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, ý chí của đối tượng được mua bán không ảnh hưởng đến việc định tội nên không phân biệt được những trường hợp môi giới hôn nhân, môi giới lao động bất hợp pháp với trường hợp mua bán phụ nữ, trẻ em; gây ra sự chồng chéo giữa Tội mua bán phụ nữ, trẻ em với Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc với Tội môi giới mại dâm (thể hiện rõ trong trường hợp tuyển mộ phụ nữ rồi giới thiệu vào những tụ điểm mại dâm trong nội địa).
Việc đưa yếu tố “tư lợi” vào cấu thành tội phạm chưa thật hợp lý, vừa khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn khi chứng minh yếu tố này, vừa chưa phản ánh được bản chất của tội mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng và buôn bán người nói chung...
Để khắc phục những khiếm khuyết, bất cập nêu trên, đồng thời làm hài hoà hơn nữa giữa pháp luật hình sự của Việt Nam với pháp luật của quốc tế liên quan đến tội phạm buôn bán người, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã sửa Điều 119 - “Tội buôn bán người thay cho tội “Mua bán phụ nữ” (Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999) và tội “Mua bán trẻ em” (Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Các yếu tố cấu thành của tội buôn bán người sẽ được quy định về cơ bản tương tự như quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bao gồm các yếu tố về hành vi, thủ đoạn, mục đích phạm tội. Đối tượng bị buôn bán là con người nói chung.
Bộ luật Hình sự Nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam |
Theo quy định của Bộ luật hình sự đang còn hiệu lực của nước ta, thì ở Việt Nam có hai tội phạm mua bán người là Tội mua bán người (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
Theo đó, mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
Tại Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 Hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Điều 1 quy định chi tiết:
“1. Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; 2. Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; 3. Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán; 4. Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc mục đích trái pháp luật khác; 5. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người”
Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 Hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người cod hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Điều 4, quy định: “Mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây: a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán; d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm".
Bộ luật Hình sự 2015 lại có nhiều điều khoản cụ thể hóa các trường hợp buôn bán người, đánh tráo người, buôn bán bộ phận cơ thể người đến 5 điều luật với những quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc, do một số lỗi kỹ thuật khác, Bộ luật này đang bị lùi thời điểm có hiệu lực.
Nội dung quy định về hành vi buôn bán người được quy định tại Bộ Luật hình sự Việt Nam:
+ Bộ Luật hình sự năm 1985 quy định:
Điều 115 “Tội mua bán phụ nữ”:
“1- Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:
a) Có tổ chức;
b) Để đưa ra nước ngoài;
c) Mua bán nhiều người;
d) Tái phạm nguy hiểm”
+ Bộ Luật hình sự năm 1999
Điều 119. Tội mua bán phụ nữ
1. Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:
a) Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Để đưa ra nước ngoài;
đ) Mua bán nhiều người;
e) Mua bán nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
+ Bộ luật Hình sự năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung (vẫn còn hiệu lực):
“Điều 119. Tội mua bán người
1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:
a) Vì mục đích mại dâm;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Đối với nhiều người;
g) Phạm tội nhiều lần;
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
Khoản 2 Điều 120 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.”