Loại cây thế hệ 7X mới biết, mọc dại ven đường có những công dụng chữa bệnh không thể ngờ
Đó chính là cây phèn đen (cây mực, diệp hạ chậu). TS Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, cây phèn đen, tên khoa học là Phyllanthus Reticulatus poir, thuộc họ cây thầu dầu - Euphorbiaceae.
Phèn đen là một cây thuốc quý nhưng mọc hoang dã ở rất nhiều vùng ven rừng hoặc ven bờ ruộng nước ta. Đây là loại cây mà quả của nó hay được trẻ con thế hệ 7X hái ăn. Ngoài ra, ngày xưa, các cụ còn nghiền quả phèn đen để làm mực viết.
Cây phèn đen thường có chiều cao cao từ 2-4 mét, các nhánh cây mọc so le với nhau và có màu đen nhạt.
Lá cây phèn đen mỏng và có hình trái xoan. Quả của cây phèn đen có hình cầu, màu trắng và căng mọng nước, chuyển dần sang màu đỏ hồng nhạt và khi quả chín sẽ chuyển sang màu đen. Cây nở hoa kết trái trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Trong tự nhiên, có xuất hiện cây phèn trắng tuy nhiên rất hiếm gặp và cũng không có nghiên cứu về công dụng chữa bệnh của nó. Trong Y học Cổ truyền thường sử dụng cây phèn đen để điều trị bệnh hơn.
“Lá phèn đen dùng để chữa rắn độc cắn, trong trường hợp bị zona thần kinh, giời leo, giã lá đắp rất hiệu quả. Cành của cây phèn đen cũng là một vị thuốc trong bài chữa viêm cầu thận.
Ngoài ra, có thể lấy cành phèn đen băm nhỏ phơi khô sao vàng, sắc uống 10 ngày chữa thoát vị đĩa điệm, chữa đau nhức cột sống”, TS Ngô Đức Phương cho hay.
Bổ sung thêm, BS Hoàng Xuân Đại cũng nhấn mạnh, phèn đen là một loại cây quý được người dân sử dụng như một bài thuốc trị nhiều căn bệnh, trong đó có không ít căn bệnh khó chữa.
Theo đông y, cây phèn đen có vị chát, tính mát, có khả năng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, kháng viêm, chống nhiễm khuẩn… rễ phèn đen có vị chát, tính lạnh; có tác dụng tiêu viêm, thu liễm, chỉ tả. Lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Vỏ có tác dụng gây chuyển hoá.
Công dụng, chỉ định và phối hợp như rễ phèn đen được dùng trị lỵ, viêm ruột, ruột kết hạch, viêm gan, viêm thận và trẻ em cam tích. Lá thường dùng chữa sốt, lỵ, tiêu chảy, phù thũng, ứ huyết do đòn ngã, huyết nhiệt sinh đinh nhọt, còn dùng chữa bị thuốc độc mặt xám da vàng và rắn cắn….
Đối với chữa kiết lỵ, BS Hoàng Xuân Đại hướng dẫn dùng lá phèn đen tươi giã nát, thêm nước, lọc. Dùng mạch nha, ý dĩ, cam thảo đất đã phơi khô, đem tán bột, mỗi thứ đều nhau, độ 1/2 thìa cà phê, uống với nước phèn đen.
Ngoài ra, lá phèn đen còn hỗ trợ chữa trị (giai đoạn 1) bằng cách dùng 1 nắm lá phèn đen, 1 nắm lá trắc bách diệp, 5 lá huyết dụ. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Cho vào ấm, đổ 800ml nước, sắc đặc còn 200ml nước. Uống ngày 150ml, còn lại đổ thêm nước đun kỹ dùng để rửa ngâm trĩ ngày 1 - 2 lần. Mỗi liệu trình từ 5-10 ngày.
BS Hoàng Xuân Đại cũng nói rõ hơn về tác dụng của cây phèn đen trị gai cột sống. Theo đó, đây là một trong những tác dụng rất tốt của cây phèn đen đó là có khả năng chữa các bệnh liên quan đến xương khớp vô cùng hiệu quả trong đó có bệnh gai cột sống.
Bài thuốc gồm: Phèn đen khô 30g, lá lốt 30g, lá bưởi bung 20g, cỏ xước 20g và rễ gấc 10g. Rửa sạch tất cả các hỗn hợp trến sau đó để ráo nước. Lấy những nguyên liệu tươi như bưởi bung, lá lốt, cỏ xước và rễ gấc đem đi sao khô.
Sau khi sơ chế xong chúng ta đem tất cả hỗn hợp ở trên vào ấm sắc và đổ khoảng 1,5 – 2 lít nước vào đun trong khoảng thời gian 2 tiếng rồi tắt bếp để nguội. Nên uống thuốc 3 lần mỗi ngày và sau mỗi bữa chính khoảng 30 phút để hiệu quả đem lại là tốt nhất.
N. Huyền