Liên tục mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 28/12, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, những nỗ lực của Cục Công nghiệp đã góp phần đưa ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 25,6% năm 2022.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của ngành công nghiệp Việt Nam như: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; Nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém; Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế; Giá trị gia tăng thấp…
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, kết quả chính của toàn ngành công nghiệp trong năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%). Đáng chú ý, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong 11 tháng năm 2022 đạt 407.100 xe, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Và với ngành điện tử, ước tính 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 56,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 52,7 tỷ USD, tương ứng tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các nội dung Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 13 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự kiến trong năm 2013, Cục Công nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 – 2023.
Bên cạnh đó sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận dịnh: Cục Công nghiệp đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất mô hình tổ chức sản xuất nhằm bảo đảm duy trì, khôi phục và từng bước phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công tác điều hành, xử lý công việc của Cục đã có đổi mới theo hướng tích cực và hiệu quả hơn, giúp các doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, Cục Công nghiệp cần khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng Luật Phát triển công nghiệp; Nỗ lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thép, ngành sữa, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da – giày…
Cùng với đó, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngọc Mai