Công nghiệp game có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới
Đóng góp lớn vào nền kinh tế
Thị trường trò chơi điện tử đang ngày càng trở nên sôi động và bắt đầu có những đóng góp rõ rệt vào nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Newzoo, thị trường game toàn cầu ước tính sẽ vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến đạt 200,3 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, ngành công nghiệp game cũng đang phát triển với quy mô và tốc độ tăng trưởng cao, có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao, hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.
Phân tích tiềm năng, lợi thế phát triển ngành game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm và mức lương hấp dẫn cho các vị trí sản xuất trò chơi tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist khoảng 389 triệu đồngVND/năm. Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng như Marketing, quảng cáo, streamer…
Doanh thu ngành game trong nước những năm qua cũng đã có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, doanh thu ngành game năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới.
Nhất là từ năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng công nghệ blockchain, NFT với hàng loạt tựa game do người Việt sản xuất, phát hành. Thông qua game, Việt Nam có thể xuất khẩu văn hóa ra thế giới.
“Nhận thấy được tiềm năng và giá trị kinh tế khổng lồ mà ngành game mang lại, các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang dần tận dụng được lợi thế này để xây dựng đòn bẩy cho nền kinh tế của nước nhà”, ông Do nói.
Còn nhiều rào cản phát triển
Bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành game ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rào cản để vươn lên phát triển.
6 rào cản lớn được Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ rõ. Thứ nhất, việc đánh thuế cao, cũng như hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán trong game chưa được hoàn thiện đang phần nào hạn chế tiềm năng phát triển, buộc các doanh nghiệp phải đăng ký thành lập, đặt trụ sở, gọi vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều dịch vụ phát sinh cùng với các trò chơi trực tuyến như: blockchain, tài sản mã hóa, tiền ảo,… nhưng chưa có hành lang pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro; xu thế lừa đảo người dùng qua không gian mạng từ đó cũng gia tăng nhiều hơn.
Thứ hai, việc sản xuất game Việt chưa được chú trọng mặc dù tiềm năng phát triển lớn và đang được coi là một trong những ngành xuất khẩu được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới.
Thứ ba, các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động xuất khẩu, mua bán game online nên cũng tiềm ẩn việc bị ảnh hưởng bởi văn hóa, lối sống nước ngoài và nhiều rủi ro về an ninh, chủ quyền biển đảo. Theo số liệu thống kê từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, có gần 85% trò chơi G1 phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó, Trung Quốc chiếm hơn 76% trên tổng số trò chơi G1 phát hành. Vì vậy, doanh nghiệp làm game ở Việt Nam thực chất đang làm thuê cho nước ngoài và doanh thu, tỷ trọng đóng góp cho ngành game tại Việt Nam đang không tương xứng.
Thứ tư, game không phép, cờ bạc, bạo lực,… cung cấp xuyên biên giới ngày càng gia tăng mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực rà soát, ngăn chặn truy cập vào các website cung cấp game vi phạm và yêu cầu các kho ứng dụng chặn, gỡ bỏ. Sự nổi lên của nhiều game xuyên biên giới không phép, phát hành qua kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam. Doanh thu từ game “lậu” chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, suy giảm doanh thu, lợi nhuận và mất khách hàng.
Thứ năm, nguồn nhân lực phát triển game ở Việt Nam đạt trình độ cao còn hạn chế và chưa đồng đều ở một số vị trí then chốt như thiết kế và lập trình game,… Việc thiếu hụt nhân lực ở thời điểm hiện tại khiến các nhà sản xuất game trong nước buộc phải tuyển dụng nhân sự tại các thị trường nước ngoài hoặc thuê gia công game từ các thị trường khác. Đây là một sự lãng phí lớn trong khi người Việt được đánh giá sở hữu nhiều đức tính phù hợp cho việc phát triển game.
Thứ sáu, khó khăn và là rào cản lớn nhất, cản trở sự phát triển của ngành game trong nước chính là định kiến của xã hội về ngành game Việt, chưa coi là ngành công nghiệp giải trí nhân lực cao.
Giải pháp đánh thức ngành game Việt
“Để có những bước đi, giải pháp phù hợp cũng như khai phá đánh thức ngành game Việt, chiếm lĩnh thị trường, dần thay thế game nhập khẩu, rất cần những thay đổi và giải pháp tổng thể”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do khuyến nghị.
Một số giải pháp đã được lãnh đạo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất. Trước hết, cần hoàn thiện môi trường pháp lý và có nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn, giảm thuế đối với game sản xuất và phát hành tại Việt Nam; Cắt giảm các điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép phát hành game; Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, đặt hàng làm game về giáo dục, lịch sử, game phục vụ công việc chuyên môn; Giới hạn tỷ lệ cấp phép phát hành game nhập khẩu từ nước ngoài; Thí điểm cho phép phát hành thử nghiệm đối với game do Việt Nam sản xuất có nội dung giáo dục.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn việc phát hành game vi phạm pháp luật tại Việt Nam; yêu cầu các trung gian thanh toán không kết nối thanh toán cho các game vi phạm pháp luật Việt Nam; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng giám sát cảnh báo sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh game.
Mặt khác, cần sớm thành lập Hiệp hội trò chơi điện tử trên mạng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo startup công nghệ và game Việt Nam để nghiên cứu, phát triển công nghệ mới cho thị trường game; Kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ các nhóm phát triển game trẻ; Xây dựng mạng lưới các trung tâm dữ liệu toàn cầu để cung cấp cho các nhà phát triển, phát hành game tại thị trường Việt Nam; Gắn phát triển game với phát triển Thể thao điện tử, đồng thời truyền thông nhằm thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành game…
“Các doanh nghiệp sản xuất, phát hành game cần ưu tiên tập trung hợp tác, phát hành các dòng game trong nước, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết để phát triển bền vững, dài hơi; hỗ trợ các cộng đồng game nhỏ, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là các công ty startup vừa bước vào ngành, từ đó, xây dựng một hệ sinh thái ngành game lành mạnh và bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tích cực mở rộng thị trường, xuất khẩu game ra nước ngoài. Xu thế này dự kiến sẽ đem lại doanh thu to lớn cho các doanh nghiệp sản xuất game, đồng thời góp phần rất lớn trong việc quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới”, ông Do khuyến nghị thêm.
Ngọc Mai