Nhiều việc cần làm để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam
Nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức
Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa.
Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2021 là xấp xỉ 556 tỷ USD và dự đoán đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Cung cấp thông tin về “bức tranh toàn cảnh” ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đối với sản xuất vi mạch, tháng 9/1979 nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor. Tới đầu những năm 90, việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 đã dừng lại. Cho đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.
Đối với thiết kế vi mạch, chủ yếu mới có sự tham gia của các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor với khoảng 200 nhân viên. Khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Tại Việt Nam, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn hiện đã được hưởng ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước... của Chính phủ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có các giải pháp đặc biệt và đầu tư nguồn lực từ nhà nước để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam có khá nhiều cơ hội phát triển. Chẳng hạn, Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số gần 100 triệu người, cùng với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ và sự tham gia đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như: Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Cannon..., đây là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chip bán dẫn.
Cùng với đó, Việt Nam có yếu tố thuận lợi để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhất là về vị trí địa lý, có quan hệ gần gũi với các cường quốc bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu sản xuất chip từ việc hợp tác khai thác các nguồn nguyên vật liệu tiềm năng, đặc biệt là đất hiếm.
Bên cạnh những cơ hội kể trên thì cũng còn không ít thách thức. Nổi bật là Việt Nam chưa có Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia để có kế hoạch phát triển, lộ trình phù hợp, giúp phát huy hiệu quả mọi lực nguồn lực; Chưa có cơ quan/bộ phận chuyên trách về phát triển ngành bán dẫn; Chưa có chính sách ưu đãi và hoặc trợ cấp, hỗ trợ tài chính đặc thù cho lĩnh vực bán dẫn phát triển; Vấn đề kết nối phát huy nguồn lực của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nước... để phát triển công nghiệp chip bán dẫn chưa hiệu quả…
Nhiều việc cần làm
Một số định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã được lãnh đạo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông đề xuất.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia để có kế hoạch phát triển, lộ trình phù hợp, giúp phát huy hiệu quả mọi nguồn lực.
Việt Nam khó có thể không trông chờ việc thu hút các doanh nghiệp FDI (Intel, Synopsys,...) để nâng cao năng lực công nghệ sản xuất và thiết kế vi mạch. Vì thế, cần có kế hoạch phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn và xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công phát triển của công nghiệp vi mạch Việt Nam.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực vi mạch tiếp cận theo hướng chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ví dụ như mô hình Trung tâm thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SCDC); Cần có các chương trình tuyên truyền, quảng bá về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam rộng rãi hơn; Cần có chương trình kết nối đội ngũ tri thức Việt Nam, chuyên gia đầu ngành chip trên thế giới với các trường đào tạo, doanh nghiệp vi mạch trong nước để hợp tác kinh doanh, tiếp thu kiến thức, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực vi mạch.
Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách phát triển thị trường ngách, đặc thù cho các sản phẩm vi mạch Việt. Thẳng thắn đánh giá, Việt Nam khó có thể phát triển chip công nghệ tiên tiến với quy mô công nghiệp như các nước và các tập đoàn công nghệ lớn hiện nay, mà thay vào đó, nên tập trung vào các dòng sản phẩm cụ thể, ví dụ chip quản lý IC nguồn, chip hỗ trợ kết nối cho các thiết bị IoT, chip tích hợp các lõi phần mềm...
Về công nghệ sản xuất, Việt Nam có thể tiếp cận theo mô hình SIP (System in Packet) với ưu điểm chi phí thấp, thời gian xây dựng và sản xuất chip nhanh, công nghệ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong sản xuất các thiết bị như IoT, viễn thông, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô..., không đòi hỏi thương hiệu và các công nghệ chip tiên tiến cho các thiết bị như điện thoại và máy tính thế hệ mới nhất.
“Nếu Việt Nam đi theo cách làm của các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là tự chủ toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất chip của riêng mình thì sẽ không phù hợp. Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch dài hạn, chính sách, giải pháp đặc thù để thu hút đầu tư, hợp tác từ các nước cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định.
Bình Minh