Liên minh châu Âu ‘lo lắng’ về ý đồ của Anh trong tương lai
Tờ El Pais của Tây Ban Nha viết, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện thái độ rõ ràng rằng sau khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi, Anh sẽ không trở thành đối tác gần gũi nhất với EU.
Theo đó, Vương quốc Anh sẽ kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào ngày 1/1/2021 và trở nên độc lập hoàn toàn dù không đạt được thỏa thuận thương mại với EU. Vương quốc Anh có thể đối xử với EU như bất kỳ quốc gia nào khác. Hơn nữa, Brussels nghi ngờ London có ý định trở thành đối thủ cạnh tranh của EU trong tương lai.
“EU và Anh đã quyết liệt kiềm chế tham vọng của nhau đối với các mối quan hệ song phương trong tương lai”, El Pais viết.
Các cuộc thảo luận để xây dựng một mối quan hệ thương mại, ngoại giao và chiến lược chưa từng có đã bị đình chỉ trong tuần này với rất ít hoặc không có tiến triển. Thậm chí không có dấu hiệu nào cho thấy London có mong muốn đặc biệt để kết thúc một thỏa thuận đầy tham vọng với Brussels trước cuối năm nay.
Liên hệ song phương sẽ tiếp tục vào giữa tháng Tám. Nhưng cả hai bên dường như đã chấp nhận một gói thỏa thuận tối thiểu chỉ giúp làm giảm bớt tác động của việc cắt đứt quan hệ vĩnh viễn trong một số lĩnh vực.
Anh và EU đã nhiều lần nhắc lại mong muốn kết thúc một thỏa thuận trước cuối năm nay, nhưng trong những tháng gần đây, họ hầu như không có động thái gì mới và chỉ lặp lại các cáo buộc lẫn nhau.
Các vòng đàm phán giữa EU và Anh vẫn tiếp tục bế tắc. (Ảnh: Reuters) |
El Pais cho rằng, Brussels thậm chí còn nghi ngờ London đã đặt mục tiêu trở thành đối thủ cạnh tranh với EU. Vì vậy, không loại trừ khả năng một thất bại hoàn toàn trong việc đàm phán. Và trong trường hợp này, quan hệ thương mại sẽ trở nên xấu đi đến mức chúng sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tờ El Pais lưu ý, các cuộc đàm phán giữa EU và Vương quốc Anh đã bắt đầu vào tháng 2 năm nay, ngay sau khi Brexit xảy ra vào ngày 31/1 và giai đoạn chuyển tiếp của Anh khỏi EU bắt đầu, sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Mục tiêu của các cuộc đàm phán là kết thúc hiệp định thương mại đầy tham vọng nhất trong lịch sử EU, được cho là dựa trên cơ sở 3 số không: thuế 0%, không hạn ngạch xuất khẩu và không bán phá giá.
“Nhưng sự tương tác gần như ngay lập tức bị đình trệ do sự không quan tâm rõ ràng của các nhà đàm phán từ chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson”, El Pais viết.
Nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn nữa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Covid-19 đã làm chậm lại tạm thời trong hoạt động kinh tế ở cả Anh và EU, đồng thời cũng buộc họ phải tổ chức nhiều vòng đàm phán theo hình thức hội nghị trực tuyến, kết thúc mà không có nhiều thành công.
“Tuy nhiên, việc nối lại các cuộc gặp mặt trực tiếp cũng không có triển vọng. Vào tháng 6, ông Boris Johnson đã lên tiếng về nhiệm vụ nhận bản thảo thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai vào cuối tháng 7. Nhưng mục tiêu này hóa ra chỉ là “một màn khói” để tạo động lực cho các cuộc đàm phán”, El Pais nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo thông tin từ các nguồn châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier, đánh giá cao sự quan tâm từ người đồng cấp Anh David Frost, nhưng tình hình vẫn còn xa sự thỏa hiệp cần thiết cho một bước đột phá tiếp theo.
Mới đây, Bloomberg dẫn lời Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức, ông Joachim Lang cho biết, thất bại của các cuộc đàm phán giữa EU và Vương quốc Anh về quan hệ song phương hậu Brexit là kết cục “hầu như không thể tránh khỏi”.
Theo ông Lang, London và Brussels tồn đọng quá nhiều vấn đề gây tranh cãi, vì nguyên nhân này mà các công ty ở cả hai phía của eo biển Manche cần “chuẩn bị cho khả năng thương mại song phương mà không có thỏa thuận như quy định của WTO”.
Nước Anh đã rời EU vào ngày 31/1 vừa qua. Song, xứ sở sương mù vẫn hưởng các lợi ích từ EU trong 11 tháng, tức cho đến khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp. Đến nay, sau nhiều vòng đàm phán, Anh và EU vẫn bất đồng về một số vấn đề, nhất là xung quanh yêu cầu của khối gồm 27 thành viên về việc tiếp cận lâu dài với vùng biển của London. Hiện hai bên nhất trí tăng cường đàm phán trong tháng 8, kết hợp giữa đàm phán chính thức và các cuộc họp nhóm nhỏ hơn tại London và Brussels.
Rút 12.000 quân khỏi Đức, Mỹ đang ‘tự bắn vào chân mình’?
Một quan chức cấp cao của Đức nhận định, Mỹ đang “tự bắn vào chân mình” khi đưa ra quyết định rút gần 12.000 binh sĩ khỏi Đức.
Thanh Bình (lược dịch)