Lầu Năm Góc: Trung Quốc ngang nhiên tiếp tục xâm chiếm Biển Đông
Bản báo cáo mới của Lầu Năm Góc cho hay trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo đất tại chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành tuần tra trên những vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Theo Wall Street Journal, bản báo cáo được Lầu Năm Góc công bố vào chiều ngày 20/8 nhấn mạnh trong tháng Sáu, Trung Quốc đã cải tạo 11,7 km2 đất thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông. Tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc trong tháng Sáu đã tăng hơn 50% so với tháng Năm. Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đã cải tạo được hơn 8 km2 đất trên quần đảo Trường Sa vào tháng Năm.
Hồi tháng Sáu, Trung Quốc tiếp tục tăng tốc cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông. |
Washington quan ngại Trung Quốc sẽ sử dụng các hòn đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự và gây ra tình trạng bất ổn an ninh cho một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.
Lâu nay, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên gần 90% diệ tích Biển Đông, vùng biển mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. Hành động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc có thể làm bùng nổ các cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông.
Thông tin Trung Quốc tiếp tục tăng tốc xâm chiếm Biển Đông được công bố trước gần một tháng chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp cao tới Washington. Khả năng ngoài chủ đề Biển Đông, an ninh mạng và chính sách tiền tệ sẽ trở thành những đề tài chính được hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đưa ra thảo luận trong cuộc gặp vào tháng Chín tới.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc từng tuyên bố nước này đã cho ngừng hoạt động cải tạo đất trái phép trên Biển Đông. Về phần mình, giới chức Mỹ tự đặt ra câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có thực sự cho dừng các hành động phi pháp hay việc làm này vẫn diễn ra âm thầm.
Tuy nhiên, vào cuối ngày 20/8, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Zhu Haiquan khẳng định Bắc Kinh đã dừng hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông vào tháng Sáu. Ông Zhu còn biện minh rằng các cơ sở đang được xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo là vì mục đích dân sự.
"Một khi hoàn thành, Trung Quốc sẵn sàng mở cửa các cơ sở này cho các nước cùng sử dụng. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ có quan điểm tích cực, cân bằng và tôn trọng nỗ lực của các nước trong việc duy trì nền hoàn bình và ổn định trên Biển Đông", phát ngôn viên Zhu nói.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng đưa câu hỏi đáp trả về kế hoạch của Trung Quốc. "Mỹ mong Trung Quốc làm rõ liệu tuyên bố trên của Trung Quốc có áp dụng với mọi tiền đồn mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liệu rằng Trung Quốc có duy trì cam kết ngừng toàn bộ các hoạt động mở rộng diện tích cải tạo đất trái phép trên Biển Đông", phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.
Cách đây một năm, giới chức quốc phòng Mỹ dự đoán Bắc Kinh chỉ cải tạo khoảng 2 km2 đất để xây đảo nhân tạo. Song hiện nay, các đảo nhân tạo này có diện tích đủ rộng để xây nhà, đặt thiết bị quân sự và cả một đường băng dài 914 m.
Hồi tháng Năm, tờ Wall Street Journal cho hay máy bay trinh sát của Mỹ xác nhận Trung Quốc đã đặt 2 khẩu pháo di dộng trên một trong những hòn đảo nhân tạo tại bãi Đá Gạc Ma. Bắc Kinh ngoan cố biện minh rằng hoạt động xây dựng tại bãi Đá Gạc Ma là hợp pháp bởi khu vực này nằm trong vùng chủ quyền của Trung Quốc.
"Hạ tầng cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép sẽ giúp nước này tăng cường năng lực kiểm soát và hiện diện trên Biển Đông", theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường hoạt động tuần tra tại những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền. Dù không để xảy ra xung đột quân sự nhưng việc làm của Trung Quốc sẽ "tăng khả năng kiểm soát" tại các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép. Trong đó, Trung Quốc tích cực sử dụng lực lượng Bảo vệ bờ biển là công cụ khẳng định chủ quyền đơn phương trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
"Trung Quốc thích sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển do chính phủ kiểm soát để hiện diện tại những vùng tranh chấp và tàu Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở phía xa, sẵn sàng ứng phó khi căng thẳng leo thang", Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Một số quan chức quân sự Mỹ đã hối thúc Lần Năm Góc thẳng thắn chỉ trích mạnh mẽ trước các hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như đảm bảo hoạt động tuần tra trên biển và trên không tại khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Trái lại, một số quan chức tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng cho rằng Mỹ nên tránh tuần tra những khu vực này để tránh khiêu khích Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát mọi hoạt động tại đây, Trung Quốc sẽ lộng hành và gây bất ổn an ninh cho một trong những tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.
Cũng trong ngày 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter một lần nữa nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ vẫn bay và tuần tra ở mọi khu vực và vào bất cứ thời điểm nào. Song không rõ liệu Mỹ có thực hiện các chuyến bay tuần tra tại vùng 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông hay không. Bởi hành động này sẽ khiến Bắc Kinh có phản ứng đáp trả.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.