Lần đầu tiên, Kon Tum tổ chức phiên chợ giới thiệu Sâm Ngọc Linh - "Quốc bảo" của Việt Nam
Lần đầu tiên tại Kon Tum, sản phẩm Sâm Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông nói riêng và của Kon Tum nói chung được bày bán và giới thiệu tại phiên chợ.
Sản phẩm Sâm Ngọc Linh còn tươi. |
Phiên chợ giới thiệu Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu của huyện Tu Mơ Rông được tổ chức vào tối 24/4 nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của huyện và các huyện thuộc tỉnh gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc hữu. Đồng thời qua đó, giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, du lịch và các lọai sản phẩm của huyện đến người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tại phiên chợ có 46 gian hàng và 158 mặt hàng, 9 mặt hàng sâm củ và chiếc xuất sâm củ của 38 đơn vị đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các xã trong huyện, tỉnh Kon Tum và các tỉnh: Quảng Nam, Bình Dương, TP. Đà Nẵng...
Ngoài phiên chợ sâm trực tiếp và chợ trực tuyến trên trang thương mại điện tử, còn có các hoạt động như: Diễn đàn Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch - cơ hội thoát nghèo.
Tu Mơ Rông có hơn 2/3 diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 67%, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng đặc biệt có độ cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển, có đổ ẩm lớn, đã tạo nên nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ Vị tử, Đương Quy, Lan Kim Tuyến, Sa nhân, Ý dỉ, Đinh lăng các loại nấm dược liệu khác ...
Sâm Ngọc Linh được phát hiện vào năm 1973, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới, được xem là "Quốc bảo" của Việt Nam và chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Với chỉ tiêu phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha; các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha.
Để hiện thực hóa chủ trương trên, những năm qua, người dân huyện Tu Mơ Rông và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng để thoát nghèo.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp tham gia trồng Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng là hơn 1.240,7ha. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông (với hơn 1.190ha).
Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha Sâm Ngọc Linh, trong đó, tại huyện Tu Mơ Rông là 490ha, 10ha còn lại là ở huyện Đăk Glei. Vì thế, Tu Mơ Rông được coi là "thủ phủ" của Sâm Ngọc Linh.
Hải Yến