Lạc quan về khả năng khởi kiện Trung Quốc của Việt Nam
Bên lề hội thảo Luật Quốc tế với chủ đề “Sự kiện giàn khoan Hải Dương 98: Các khía cạnh pháp lý và khả năng khởi kiện” diễn ra vào giữa tháng 5, trả lời báo chí về khả năng khởi kiện của Việt Nam đối với vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái pháp luật giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Lan Dung, Trưởng Khoa Luật Quốc tế Học viện Ngoại giao cho biết:
Nếu khai thác tốt các chi tiết trong vụ việc, vận dụng khéo léo Luật Biển Quốc tế và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tuy nhiên, do những hạn chế về thẩm quyền của Tòa nên câu trả lời về việc Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không còn phụ thuộc nhiều vào hồ sơ được chuẩn bị cũng như vấn đề được nêu lên trong đơn kiện.
Vì vậy, mặc dù rất lạc quan về việc khởi kiện nhưng chúng tôi hiểu đây không phải là một vấn đề đơn giản. Đấy là câu trả lời từ góc độ một chuyên gia. Khởi kiện hay không là một quyết định mang tính vĩ mô trong đó cần tính đến nhiều yếu tố khác mang tính chất tổng thể liên quan như quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế...
Đây sẽ là quyết định của các cấp có thẩm quyền và tôi tin rằng Việt Nam sẽ có những tính toán kĩ lưỡng trước quyết định này.
![]() |
Để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, cần có tầm nhìn chính xác, quyết định đúng đắn. |
Vậy theo quan điểm cá nhân bà thì Việt Nam có nên khởi kiện không?
Như tinh thần mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã tuyên bố thì tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Giải quyết các tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế là biện pháp hòa bình được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuy nhiên khả năng đơn kiện được thụ lý và được xử với kết quả khả quan cho Việt Nam thì đó là vấn đề khác. Do vậy phía Việt Nam cần phải tính đến mọi yếu tố và cân nhắc các khả năng. Từ các quy định của luật quốc tế thì chưa thể khẳng định 100% là Tòa có chấp nhận đơn kiện của Việt Nam hay không, khả năng thắng kiện như thế nào... Đây là vấn đề cần có một sự nghiên cứu dài hạn.
![]() |
Thạc sĩ Phạm Lan Dung, Trưởng Khoa Luật Quốc tế Học viện Ngoại giao |
Phản ánh từ thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt trái pháp luật giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Trung Quốc vẫn đang tăng thêm số lượng tàu, tàu quân sự cũng như các hành vi ngang ngược, ngăn chặn lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Theo bà các lực lượng chức năng Việt Nam cần và sẽ làm gì để đảm bảo khả năng thực thi pháp luật ở khu vực này?
Việt Nam chắc chắn sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng ta đang sử dụng các biện pháp ngoại giao đúng theo nghĩa vụ về việc sử dụng các biện pháp hòa bình. Các biện pháp ngoại giao cũng đang được thực hiện hiệu quả. Tôi tin rằng với dư luận tiến bộ thế giới ủng hộ lẽ phải của Việt Nam thì chúng ta có thể đạt được những kết quả tốt.
Mọi hành vi gây hấn, hạ đặt giàn khoan trái phép và tập trung một lượng lớn tàu thuyền, trong đó có tàu quân sự của TQ đang gây mất ổn định, đe dọa an ninh khu vực. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác. Chắc chắn các quốc gia sẽ có tiếng nói.
Việc khởi kiện có thể sẽ mất nhiều thời gian?
Thông thường các quy định của Luật quốc tế về thủ tục tố tụng rất phức tạp. Đối với Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, thời gian để các bên đệ trình bản tranh tụng của mình lên Tòa, Tòa nghe lập luận của các bên, Tòa xem xét hồ sơ và ra phán quyết,... thường kéo dài 2-3 năm.
Đây là điều không thể khác được. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, các cơ quan tài phán quốc tế cũng có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu hội tụ đủ các điều kiện cần thiết.
Bà đánh giá như thế nào về các lập luận, cơ sở mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến vụ việc giàn khoan Hải Dương 981?
Theo quan sát của chúng tôi, đến nay trong các phát ngôn chính thức của Trung Quốc thì họ có đưa ra 3 lập luận giải thích, biện minh cho việc triển khai 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên các biện minh này không nhất quán. Lúc thì họ nói khu vực hạ đặt giàn khoan thuộc “lãnh hải” của Trung Quốc, lúc lại nói thuộc “vùng nước” của quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Lần khác họ giải thích rằng giàn khoan nằm ở vùng nước phía Nam đảo Trung Kiến (tức đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Ba lần họ đưa ra ba biện minh không những không nhất quán mà còn không đúng với các quy định của luật pháp quốc tế. Thứ nhất, tọa độ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 không hề nằm trong “lãnh hải” Trung Quốc bằng bất kỳ lập luận, giải thích nào.
Thứ hai, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam khẳng định chủ quyền ở đây nên việc TQ viện dẫn Hoàng Sa để biện minh cho vị trí đặt giàn khoan thì đã vi phạm chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.
Thứ ba, Trung Quốc cũng sử dụng khái niệm “vùng nước” một cách khá mập mờ có chủ đích. Theo UNCLOS 1982 các vùng biển được quy định rõ ràng gồm lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không hề nói “vùng nước” ấy là vùng nào.
Việc Trung Quốc dùng các khái niệm không thống nhất, mập mờ cho thấy rõ ý đồ của TQ trong việc lợi dụng vụ việc này để từng bước khẳng định tham vọng của mình tại Biển Đông dựa trên các yêu sách bất hợp lý
Cùng với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã huy động nhiều lực lượng trong đó có tàu và máy bay quân sự để cản trở hoạt động của các cơ quan chấp pháp Việt Nam. Việc làm này đã gây ra những ảnh hưởng, thậm chí là mất an ninh, an toàn đến tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Theo bà các quốc gia có tàu bè hoạt động trên tuyến đường này có thể khởi kiện Trung Quốc vì đã đe đọa đến an ninh, an toàn hàng hải hay không?
Theo UNCLOS 1982 tất các quốc gia thành viên của UNCLOS được hưởng quyền tự do hàng hải. Đó là một quyền truyền thống có từ lâu đời, thậm chí là tập quán quốc tế. Họ có thể kiện nếu một quốc gia nào đó vi phạm quyền tự do hàng hải được quy định trong UNCLOS 1982.
Trong vụ việc này, rõ ràng các hoạt động của TQ có thể gây cản trở và ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải. Về mặt nguyên tắc, nếu một quốc gia nào đó thấy rằng vụ việc này gây ảnh hưởng đến mình thì họ cũng có thể khởi kiện được Trung Quốc
Liệu có khả năng Trung Quốc tiếp tục đặt giàn khoan Hải Dương 981 dùng sức mạnh vũ lực để đặt Việt Nam vào tình thế đã rồi, như đã từng làm hay không?
Phải khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực. Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình trên quần đảo này và vẫn kiên trì đấu tranh. Luật pháp quốc tế cũng không công nhận chủ quyền của một quốc gia dựa trên sự chiếm đóng trái phép.
Đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981, ngay từ khi họ đưa vào chúng ta đã lên tiếng phản đối, đưa vụ việc ra công luận quốc tế. Việt Nam đã làm đúng và phù hợp với pháp luật quốc tế. Tất nhiên các hành động sắp tới của TQ như thế nào còn tùy thuộc vào quyết tâm của chúng ta cũng như dư luận quốc tế.
Xin cảm ơn bà!