Lạ lùng những lệnh cấm đối với binh lính Đức Quốc xã chiến đấu ở châu Phi
Không giống như phương Đông hay phương Tây, mặt trận châu Phi, ít được đề cập nhất trong các tài liệu lịch sử về Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì ở châu Phi không diễn ra trận chiến nào mang tính chất quyết định kết quả của cuộc chiến.
Tuy nhiên, do hầu hết binh lính Đức Quốc xã chưa từng đến các quốc gia nhiệt đới, giới lãnh đạo quân sự Đức đã phải soạn thảo một bản ghi nhớ đặc biệt cho họ.
Những quy định nghiêm ngặt này được cho là không chỉ cứu mạng sống và bảo đảm sức khỏe của những người lính Đức Quốc xã, mà còn cả tư cách đạo đức của họ.
Những lệnh cấm liên quan đến nước
Sức nóng có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng. Những người lính sẵn sàng uống bất cứ thứ gì, chỉ để thỏa mãn cơn khát.
Nhiều nguy hiểm đang chờ đợi họ ở phía sau, vì vậy các chỉ huy đã cấm họ vi phạm những điều sau: “Không uống nước lã, vì nó có thể bị ngộ độc hoặc nhiễm trùng; Không uống nước khoáng, nước chanh khi chưa có lệnh của người chỉ huy; Không mua đồ giải khát do người dân địa phương chế biến; Không bơi trong các hồ chứa nước ngọt, nơi sinh sống của nhiều loài động vật nguy hiểm cũng như vi khuẩn có hại”.
Những lệnh cấm liên quan đến thực phẩm
Danh sách các quy định cấm liên quan đến thực phẩm yêu cầu binh lính Đức Quốc xã tránh tiêu thụ trái cây chưa rửa sạch, đặc biệt là trái cây mua từ những người bán hàng địa phương trên đường phố.
Ngoài ra, các loại thịt sống chứa nhiều ký sinh trùng nên binh lính cũng bị cấm ăn. Ngoài ra, vì lý do an toàn, họ cũng bị cấm uống cả sữa tươi.
Đối với các thực phẩm không có khả năng dự trữ lâu dài như xúc xích, sữa, thịt, cá được khuyến nghị tiêu thụ ngay khi nhận được.
Những lệnh cấm liên quan đến tiêm chủng và vệ sinh dịch tễ
Trước khi được điều đến châu Phi, những binh lính Đức Quốc xã đã được tiêm các loại vắc xin cần thiết, đồng thời được cấp một bộ đồ dụng cụ y tế cá nhân, bao gồm cả thuốc chữa bệnh sốt rét.
Vật dụng này rất cần thiết đối với họ khi bị nhiễm bệnh. Các biện pháp vệ sinh cá nhân ở vùng khí hậu nóng là vô cùng quan trọng. Các chỉ huy thường buộc binh lính phải tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, cũng như thường xuyên chú ý chăm sóc da.
Những lệnh cấm liên quan đến các loại côn trùng và động vật nguy hiểm
Danh sách các quy định cũng không bỏ quên các loại côn trùng và động vật nguy hiểm ở châu Phi. Trong đó, họ cấm binh lính Đức đi chân trần để không trở thành nạn nhân của bọ cạp hay rắn độc. Để bảo vệ bản thân khỏi các loại côn trùng, những binh lính Đức được cấp phát một loại bột đặc biệt.
Do muỗi có thể mang mầm bệnh sốt rét, các binh lính Đức được yêu cầu sử dụng màn để bảo vệ bản thân vào ban đêm. Trong trường hợp bị bệnh hoặc bị cắn bới côn trùng, nạn nhân cần phải liên hệ với bác sĩ tại chỗ một cách nhanh nhất.
Vào buổi sáng, khi thức giấc, các binh lĩnh được khuyến cáo kiểm tra kỹ giày, ủng để bảo đảm rắn và bọ cạp không chui vào đó trú ngụ vào ban đêm.
Những lệnh cấm liên quan đến người dân địa phương
Các quy định cũng đặt ra các nội dung riêng đối với binh lính Đức trong quá trình giao tiếp với cho người dân địa phương. Khó có thể theo dõi chặt chẽ tất cả các mối quan hệ giữa binh lính Đức và cư dân địa phương, nhưng các trường hợp cá biệt có thể thu hút sự chú ý của các chỉ huy.
Binh lính Đức không được ở lại qua đêm với cư dân địa phương, mặc dù ở mặt trận phía Đông quân Đức gần như liên tục tấn công, chiếm đóng các ngôi nhà nơi vẫn còn cư dân cư trú.
Các quy định này nhắc nhở binh lính Đức rằng dù thuộc “chủng tộc Aryan” cao quý, họ bị cấm cư xử kiêu ngạo, cố gắng can thiệp vào công việc của người dân địa phương, có quan hệ thân mật với các cô gái địa phương hoặc quan hệ tình dục với người dân địa phương.
Những người lính được nhắc nhở rằng người dân địa phương rất thân thiện với người Đức, vì vậy nghiêm cấm phá vỡ truyền thống của họ.
Rõ ràng, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Đức đã nghiên cứu rất kỹ càng điều kiện chiến trường, soạn thảo các quy định một cách cẩn trọng và tuân thủ mọi quy tắc được đưa ra.
Nội dung các khuyến nghị cũng cho thấy, bộ chỉ huy quân sự Đức Quốc xã cũng rất lo lắng về các yếu tố chiến trường đặc trưng của châu Phi.
Hạ Thảo (lược dịch)