Sợ đóng cửa, AP từng phải hợp tác với Đức Quốc Xã
The Guardian cho hay, theo một số tài liệu lưu trữ mà một nhà sử học người Đức Harriet Scharnberg, thuộc Đại học Halle’s Martin Luther, vừa tiết lộ, AP đã hợp tác chính thức với chế độ Hitler trong những năm 1930, cung cấp cho các báo Mỹ những tư liệu do Bộ tuyên truyền của Đức Quốc xã trực tiếp sản xuất hay lựa chọn.
AP phủ nhận từng hợp tác với Đức Quốc xã. |
Khi Đảng Quốc xã nắm quyền ở Đức vào năm 1933, một trong những mục tiêu đầu tiên của nó là mua chuộc và khống chế không chỉ truyền thông trong nước mà còn cả quốc tế.
The Guardian đã bị cấm hoạt động trong năm 1933. Đến năm 1935, nhiều cơ quan báo chí lớn như Keystone và World Wide Photos đã buộc phải đóng cửa văn phòng sau khi bị tấn công với lý do sử dụng nhà báo người Do Thái.
Trong khi đó, theo The Guardian, AP là hãng tin phương Tây duy nhất vẫn tiếp tục hoạt động ở Đức dưới thời Hitler.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Đương đại của Báo chí, bà Scharnberg cho hay, AP chỉ có thể tiếp tục hoạt động bằng cách hợp tác đôi bên cùng có lợi với Đức Quốc xã.
Theo bà này, AP đã nhượng lại quyền kiểm soát thông tin được xuất bản cho Đức Quốc Xã bằng cách đồng ý tuân thủ một luật biên tập có tên Schriftleitergesetz, cam kết sẽ không công bố bất kì tài liệu nào có thể làm suy yếu sức mạnh của đảng Quốc xã ở trong nước và quốc tế.
Luật này yêu cầu AP phải thuê các phóng viên đang làm việc cho bộ phận tuyên truyền của đảng Quốc xã. Một trong số bốn phóng viên ảnh mà AP tuyển dụng trong năm 1930 là Franz Roth cũng là thành viên của cơ quan tuyên truyền thuộc đảng Quốc xã. Đích thân Hitler đã lựa chọn những bức ảnh của Roth để xem bức nào được đăng hay không.
Theo The Guardian, AP đã gỡ bỏ những bức ảnh có chú thích tác giả ảnh Roth khỏi trang web của hãng tin này sau khi bà Scharnberg tiết lộ thông tin trên.
Theo bà Scharnberg, AP còn cho phép Đức Quốc xã sử dụng kho lưu trữ hình ảnh của mình để phục vụ cho mục đích bài Do Thái.
Tiết lộ trên đặt ra những câu hỏi về vai trò của hãng tin này trong việc giúp Đức Quốc xã che giấu bộ mặt thật trong những năm đầu tiên Hitler lên nắm quyền.
Bà Scharnberg cho rằng, sự hợp tác của AP với chế độ Hitler cho phép Đức Quốc xã "miêu tả cuộc chiến tranh hủy diệt thành một cuộc chiến tranh thông thường".
Khi được The Guardian hỏi về những cáo buộc trên, AP tuyên bố không hề biết những thông tin trong báo cáo của ông Scharnberg, bao gồm cả các cá nhân và các hành động của họ trước và trong suốt cuộc chiến tranh. AP khẳng định đang xem xét lại các tài liệu để tìm hiểu thêm về giai đoạn này.
Một phát ngôn viên của AP nói với The Guardian: "Khi đang tiếp tục tìm hiểu vấn đề này, AP bác bỏ bất kỳ ý niệm nào cho rằng AP đã cố tình 'hợp tác' với chế độ Đức Quốc xã. Có một sự thật là AP và các tổ chức báo chí nước ngoài khác đã phải chịu áp lực lớn của chế độ Đức Quốc xã kể từ khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1932 cho đến khi AP ngừng hoạt động ở Đức vào năm 1941.
AP đã cưỡng lại những áp lực để thu thập những thông tin quan trọng, chính xác và khách quan trong thời kì đen tối và nguy hiểm đó”.
AP đang tiến tới kỉ niệm 170 năm ngày thành lập vào tháng 5/2016.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Guardian, một nhật báo lớn được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh.