Kỷ niệm rơi nước mắt của người phụ nữ làm nghề trang điểm tử thi
Từ lâu, những người hành nghề theo nghi lễ của Nhật Bản, những người sử dụng các kỹ năng chuyên môn cao để phục hồi thi thể bị biến dạng, 'trang điểm' tử thi đã bị đánh giá thấp.
Bởi vì không có hệ thống chứng nhận cũng như các kỹ thuật tiêu chuẩn trong nghề, những người hành nghề như Chiemi Tsunoda thường bị hiểu nhầm hoặc bỏ qua. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này khá phức tạp và quan trọng trước khi làm đám tang cho người đã khuất.
Chiemi Tsunoda, 56 tuổi, làm công việc phục hồi, trang điểm tử thi cho một công ty chuyên phục vụ tang lễ ở Tokyo (Nhật Bản). Cô thường xuyên phải sử dụng một loại sáp đặc biệt và kinh nghiệm gần 3 thập kỷ trong nghề để khôi phục các thi thể.
Trong những trường hợp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tự tử, chết một mình không ai phát hiện trong thời gian dài, xác người thường bị biến dạng. Công việc của cô là phục hồi và trang điểm cho "người quá cố" trước khi trao trả cho gia đình để lo hậu sự. Mỗi năm, cô khôi phục khoảng 100 thi thể.
Đó là những ca khó, Tsunoda phải phục hồi cơ thể trở lại "như cũ" bằng cách bôi nhiều lớp sáp hơn. Cô nhớ, mình từng phải bôi rất nhiều lớp sáp lên mặt khô nứt nẻ của người phụ nữ ở độ tuổi 80 chết một tháng không ai phát hiện ra.
Tsunoda vận dụng nhiều cách, nhiều kỹ thuật khác nhau để cho ra tạo hình giống nhất. Các vết thương sâu trên các cơ thể sẽ được "khâu" lại bằng keo dính, các vết lõm ở trán và mũi được tạo hình lại bằng bông. Mái tóc búi gọn gàng và trang điểm nhẹ nhàng, khuôn mặt của những thi thể toát lên vẻ điềm tĩnh.
Theo Mainichi, hiện tại, không có hệ thống chứng nhận hay các quy định về kỹ thuật tiêu chuẩn trong nghề "nokanshi" này.
Thuật ngữ "nokanshi" thu hút sự chú ý qua bộ phim truyền hình Nhật Bản, đoạt giải Oscar năm 2009 "Okuribito". Bộ phim kể về một chàng trai trẻ nhận công việc "người hành lễ". Phim đào sâu vào chủ đề cái chết, thường bị né tránh và bị xem là điều cấm kỵ trong xã hội Nhật Bản.
Nhiệm vụ công việc của nhân vật chính là lau chùi thi thể, mặc quần áo trắng, trang điểm và đặt vào quan tài. Cũng tương tự như những gì Tsunoda làm. Nhưng trong nhiều trường hợp, Tsunoda phải cố hết sức để phục hồi thi thể biến dạng.
Cô chia sẻ điều thuyết phục cô phải học tập cho thành thạo nghề này xuất hiện sau khi trang điểm cho một nạn nhân bị giết cách đây vài năm. Thi thể bị phân huỷ do không được phát hiện trong một thời gian dài, không còn nhiều dấu vết về con người cô ấy trước đây.
Khi đó, Tsunoda hoàn toàn bị cuốn hút vào nhiệm vụ này. Cô chưa bao giờ gặp trực tiếp gia đình nạn nhân nhưng khi trả thi thể lại cho họ và nghe thấy một giọng nói từ sau bức màn rằng "đó chính là người phụ nữ xấu số ấy", nước mắt Tsunoda tự nhiên trào ra.
"Tôi đã hứa sẽ phục hồi bất kỳ xác chết nào cho dù nó ở trạng thái nào đi chăng nữa. Như vậy, người nhà của nạn nhân cũng cảm thấy đỡ đau buồn. Bằng cách nhìn vào gương mặt hoàn thiện của người quá cố và nói lời tạm biệt, người ở lại sẽ không cảm thấy hối tiếc. Ngay cả khi họ buồn, họ vẫn có thể nhìn về phía trước mà bước tiếp", Tsunoda nói.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, dẫn đến việc các thi thể lẽ ra có thể phục hồi lại bị bỏ qua. Để cải thiện tình hình này, công ty nơi Tsunoda làm việc đang nỗ lực nâng cao hợp tác giữa các nhà thầu dịch vụ tang lễ, đào tạo nguồn lao động trong tương lai.
Yukihiro Someya, 56 tuổi, chủ tịch công ty cho biết họ hy vọng sẽ nâng cao danh tiếng của nghề để mọi người có nhiều cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã khuất.
"Chúng ta tiễn đưa những người thân yêu của mình và một ngày nào đó, cũng sẽ đến lượt chúng ta. Chúng tôi muốn biến quá trình này thành điều gì đó khiến mọi người cảm thấy được an ủi trong lòng", Yukihiro nói.
Hoàng Dung