Kinh tế thế giới bên bờ vực thẳm
Trong số các quốc gia giàu có, triển vọng kinh tế của Mỹ vẫn ít có vấn đề nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung euro lâm vào suy thoái và những khó khăn về kinh tế gần đây của Nhật Bản, thì điều này không có nhiều ý nghĩa.
Cùng lúc đó, nhiều thị trường đang nổi cũng bị tổn thương. Tăng trưởng trong năm nay của Ấn Độ có khả năng sẽ đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua còn nền kinh tế của Brazil cũng đang rất chật vật. Chỉ có tăng trưởng của Trung Quốc dường như vẫn ổn định dù đã thấp hơn các năm trước khá nhiều.
Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng, đó là chưa kể tới cuộc tranh luận chính trị liên quan tới việc giảm chi tiêu công và hết hạn sắc lệnh cắt giảm thuế giá trị khoảng 600 tỷ USD tổng cộng, được dự tính sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2013.
Một loạt báo cáo được đưa ra trong tuần này được cho là sẽ thể hiện những khó khăn mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của nhà kinh tế do Reuters thực hiện, những số liệu được công bố vào ngày 7/12 cho thấy số việc làm mới được tạo ra đã tăng chậm lại, chỉ đạt mức 100.000 việc làm trong tháng 11 vừa qua so với con số 171.000 việc làm trong tháng 10.
Các số liệu trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ được công bố trong tuần này cũng có khả năng cho thấy tăng trưởng trong quý IV/2012 của nước này bị chậm lại. Tom Porcelli, nhà kinh tế làm việc tại RBC Capital Markets, nói: “Không hề phóng đại chút nào khi nói rằng nguy cơ phải chứng kiến một dấu hiệu tiêu cực về tăng trưởng GDP trong quý IV là rất lớn”. Dựa trên những số liệu cho thấy mức chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 10 vừa qua lần đầu tiên bị giảm xuống trong vòng 5 tháng trở lại đây, Porcelli đã xem xét lại và hạ mức dự báo nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ từ mức 1% xuống 0,2% trong quý IV.
Những khó khăn mà Mỹ đang phải trải qua xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng đang gặp nhiều rắc rối. Nền kinh tế châu Âu vẫn còn rất hỗn độn. Mặc dù, thỏa thuận mới nhất về nợ của Hy Lạp ngay lập tức đã dập tắt những quan ngại về kế hoạch mua lại trái phiếu sẽ được công bố trong đầu tuần của quốc gia này, song Hy Lạp vẫn sa lầy trong cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, ít có triển vọng phục hồi. Hiện không phải ai cũng tin tưởng rằng Aten vẫn có khả năng tiếp tục là một phần của Khu vực đồng tiền chung euro.
John Higgins, nhà kinh tế làm việc tại Capital Economics ở London, nói: “Chúng tôi cho rằng khu vực đồng euro sẽ sớm phải chịu sức ép thêm một lần nữa. Chúng tôi tiếp tục dự đoán rằng tỷ lệ trao đổi ngoại tệ giữa đồng euro và USD sẽ nhanh chóng giảm xuống và đạt ngang bằng nhau trong năm tới, khi cuối cùng Hy Lạp phải rời bỏ khu vực đồng euro”.
Sự quan tâm các thị trường tài chính đang nhanh chóng hướng về phia Tây Ban Nha, nơi mà tình hình kinh tế vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn cho dù các điều kiện của thị trường tín dụng đã có bước tiến triển nhờ những hy vọng có được từ sự trợ giúp của Ngân Hàng Trung ương châu Âu (ECB). Thị trường bán lẻ của Tây Ban Nha giảm 9.7% trong tháng 10, cho thấy quốc gia này – vốn đã phải chịu đựng suy thoái hơn 1 năm qua – có khả năng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Khó khăn mà Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải đối mặt đó là sự giúp đỡ của ECB (mua lại trái phiếu của Tây Ban Nha) chỉ được thực hiện sau khi chính Phủ Tây Ban Nha chính thức đưa ra yêu cầu trợ giúp - một sự lựa chọn khó có thể chấp nhận về mặt chính trị. Dù vậy, đây vẫn là một biện pháp mà cuối cùng Madrid có thể phải lựa chọn.
Một quốc gia châu Âu có khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro đó là Pháp. Pháp đã bị hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s hạ 1 điểm đối với trái phiếu chính phủ của nước này từ mức cao nhất AAA xuống AA1 trong tháng 11. Trước đó, tháng 1/2012, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã hạ quan sát tín nhiệm duy nhất vẫn dành mức tín nhiệm của nước này nếu Paris không đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức dự báo.
Chủ tịch ECB Mario Draghi, người cho rằng phần lớn khu vực đồng euro sẽ bắt đầu phục hồi vào nữa sau năm 2013, ngày 31/12 cảnh báo cuộc khủng hoảng này chưa thể kết thúc ngay và các chính phủ phải củng cố ngân sách của họ, giảm bất cân đối về tài chính hiện nay.
Các đầu tàu tăng trưởng toàn cầu khác cũng đang dần chậm lại. Không chỉ tăng trưởng kinh kế của Ấn Độ và Brazil trong quý III bị chậm lại, mà cả Canada cũng vậy. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc là ngoại lệ, hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 11 đạt mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo, điều làm cho toàn thế giới thêm nhụt chí là cuộc tranh cãi tại Oasinhton dương như vẫn chưa thể kết thúc, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều giữ vững lập trường của họ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, người đứng đầu đảng Cộng hòa tại Quốc hội, ngày 31/12 cho biết cuộc tranh cãi vẫn ở thế bế tắc. Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 2/12, Ông Boehner gọi đề xuất do Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra hồi tuần trước là “vô nghĩa”. Vấn đề lớn nhất gây bế tắc là liệu có nên mở rộng việc áp dụng mức thuế thấp cho các hộ gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/ năm – từng được thiết lập dưới dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush- hay không. Boehner cho biết đảng Cộng hòa vẫn phản đối việc tăng thuế đối với bất kể nhóm thu nhập nào.