Kim đâm vào gối trẻ 12 tháng, bác sĩ toát mồ hôi tìm dị vật
Đoạn kim mắc kẹt trong khớp gối bệnh nhi |
Mẹ bé Nguyễn Hữu T. kể lại, tai nạn xảy ra vào ngày 17/4, khi bé ngồi chơi bên cạnh anh trai 10 tuổi đang khâu diều. Thấy con bỗng khóc toáng lên, đang làm việc nhà chị vội vàng chạy ra thì phát hiện chiếc kim khâu dài 3cm đâm khá sâu vào đầu gối của cháu. Chị cố gắng rút dị vật ra khỏi cơ thể con trai, nhưng ½ chiếc kim vẫn mắc kẹt bên trong khớp gối của bé. Gia đình vội vã chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, cháu bé được các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chụp phim, làm các xét nghiệm và chỉ định phẫu thuật. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh-khoa Chỉnh Hình Nhi, người trực tiếp phẫu thuật cho bé Toàn cho biết, đây là một trường hợp khó do đoạn kim nằm trong khớp dễ bị di chuyển đến vị trí khác.
“Khi chúng tôi mở bao khớp gối của trẻ thì không thấy đoạn kim nào. Chỉ đến khi sử dụng máy X-quang tăng sáng, hỗ trợ định vị dị vật, chúng tôi mới phát hiện đoạn kim đã găm vào xương bánh chè của cháu. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, kíp mổ mới gắp được dị vật ra khỏi cơ thể trẻ”- BS Tuấn Anh nói.
Hiện nay, cháu T. vẫn đang được các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình chăm sóc và theo dõi.
Liên tục tiếp nhận trẻ tai nạn trong sinh hoạt
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ em với độ tuổi bệnh nhi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Tai nạn đáng tiếc xảy đến với nhóm trẻ trong độ tuổi này phần lớn bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc các em nhỏ.
Đó là trường hợp bé 2 tuổi ở Hà Nội ngộ độc do uống nhầm thuốc nhỏ mũi vào viện trong tình trạng hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh. Sau khi thăm khám và hỏi tiền sử, trẻ được chẩn đoán bị ngộ độc do uống nhầm thuốc Naphazolin 0,5%, thường dùng để nhỏ mũi, số lượng khoảng ½ lọ. Gia đình cho biết, khi xảy ra sự việc bố mẹ cháu không xử trí gì. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau khi uống thuốc trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, vã mồ hôi, chân tay lạnh nên gia đình vội đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương
Hoặc tai nạn kinh hoàng xảy ra với bé Nguyễn Xuân Linh (6 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) khi bà đang trông cháu ở nhà và để bé ngồi trong xe tập đi. Chỉ một phút lơ đễnh của người bà, chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang khiến vùng mặt của bé đập mạnh vào các bậc cầu thang, gây đau đớn và chảy rất nhiều máu.
Cháu bé được đưa đến Khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt do mất nhiều máu. Các bác sĩ tiến hành cho thở oxy, truyền dịch, giảm đau đồng thời truyền máu, sau đó chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy cháu bị gãy rời di lệch xương hàm dưới.
Thậm chí, gần đây nhất có trường hợp đã để lại hậu quả nặng nề như tình huống của bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Phúc, bị viêm màng não mủ do chọc đũa ăn vào mũi. Tai nạn xảy ra trong lúc bà không để ý, bé chẳng may té ngã, chiếc đũa trên tay vô tình chọc sâu vào mũi cháu. Đến nay đã gần 1 tháng nhập viện điều trị, sức khỏe của cháu bé vẫn trong tình trạng nặng.
Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, người trực tiếp chăm sóc các em nhỏ cần tránh không để trẻ tiếp xúc với các vật nguy hiểm (đồ sắc nhọn như dao, kéo…), các yếu tố gây nguy hiểm (nước, lửa, điện…). Trong gia đình nếu có sử dụng hóa chất, chất tẩy rửa cần cất giữ nơi trẻ không nhìn thấy, không tìm thấy, không với tới. Không để trẻ tự chơi một mình mà không có người giám sát, để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đặc biệt với những vật sắc nhọn bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo những vật dụng này, trong đó có kim khâu là vật dụng rất nhọn nên có thể đi vào cơ thể qua da rất nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhiều. Tuy nhiên, khi đi vào cơ thể thì kim có thể chạy đến rất nhiều cơ quan khác nhau như cơ, khớp, phổi thậm chí chạy vào tim.
Vì vậy, người lớn cần cẩn thận trong khi sử dụng vật dụng này, tránh để rơi rớt kim ra sàn, chăn, chiếu. Trong trường hợp nhà có trẻ lớn thì phải hướng dẫn trẻ cất kim gọn gàng sau khi sử dụng tránh xảy ra tình huống đáng tiếc như trường hợp của bé T.