Kiểm tra sự cố sạt lở đê điều ở Hà Nội, chủ động phương án bảo vệ người dân trước mùa mưa bão
Qua kiểm tra, các đoàn công tác phát hiện nhiều sự cố sạt lở đê điều, bờ sông trên tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đáy đoạn qua các huyện: Ba Vì, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây sau các đợt mưa lớn gần đây.
Sáng 01/10, đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai do Phó Tổng cục trưởng Phạm Đức Luận dẫn đầu đã đi kiểm tra các sự cố đê điều xảy ra trên trên các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng và hữu Đáy, TP Hà Nội. Tham gia đoàn công tác có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Hà Nội Nguyễn Văn Quyến và đại diện Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội.
Sự cố sạt lở bờ sông tương ứng K3+760-K4+100 đê hữu Đà, sạt lở bờ sông tương ứng K0+200-K0+300 đê hữu Hồng, sạt mái đê thượng lưu và mặt đê đoạn K15+750-K15+800 đê hữu Đáy là các sự cố gây nguy hiểm đến an toàn đê điều.
Sự cố sạt lở bờ sông Hồng khiến người dân lo lắng khi mùa mưa bão đến. |
Sau khi kiểm tra thực địa, Phó Tổng cục trưởng Phạm Đức Luận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP Hà Nội tổ chức cắm biển cảnh báo, ngăn người dân, phương tiện không đi vào khu vực đê, bãi sông bị sạt lở; đồng thời khẩn trương khảo sát, đánh giá, đề xuất phương án, báo cáo UBND thành phố để xử lý kịp thời các sự cố.
Trước đó, ngày 29/9, Đoàn công tác liên sở gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã tổ chức kiểm tra các sự cố sạt lở đê điều, bờ sông trên tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đáy đoạn qua các huyện: Ba Vì, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.
Tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), Đoàn công tác liên sở ghi nhận, đoạn bờ sông Đà xuất hiện 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng tiếp tục ăn sâu vào bãi sông khoảng 3-5m; vị trí điểm sạt lở cách chân đê hữu Đà khoảng 40m.
Tại thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, xuất hiện vị trí sạt dài khoảng 120m, chiều rộng cung sạt khoảng 5-15m; đỉnh cung sạt cách chân đê hữu Hồng khoảng 17-25m, cách công trình nhà ở của 2 hộ dân khoảng 2-2,5m.
Tại xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), hai vị trí sạt lở bờ sông Hồng dài khoảng 1,7km tiếp tục ăn sâu vào phía đê gây sập đổ tường rào, công trình phụ của người dân...
Đặc biệt, trên đê hữu Đáy, đoạn xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) xuất hiện sự cố sạt lở mặt đê, mái đê dài khoảng 120m, chiều rộng khoảng 0,2m, chênh cao khoảng 0,5m...
Báo cáo tại buổi kiểm tra, cơ quan quản lý đê Ba Vì, Sơn Tây - Phúc Thọ, Quốc Oai - Thạch Thất cho biết, nguyên nhân gây ra các sự cố nêu trên là do ảnh hưởng các trận mưa lớn vừa qua; nền địa chất đê, bờ sông yếu... Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình đê điều, các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp xử lý sự cố như: Cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đề nghị người dân sơ tán ra khỏi khu vực xảy ra sự cố sạt lở...
PV