Khủng hoảng thừa thịt lợn: Cần quy định giá bán lợn hơi
Theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, các bộ liên quan có thể đưa ra các kịch bản để xử lý tình trạng thừa thịt lợn.
Giá lợn hơi chạm đáy
"Treo chuồng" là do giá lợn hơi nhiều tháng nay thấp kỷ lục, trong khi thịt lợn là mặt hàng thực phẩm được người Việt sử dụng nhiều nhất.
Anh Thụy (xã Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) vừa bán được 50 con lợn, nhưng với giá chỉ 30.000 đồng/kg. Không chỉ giá thấp, anh còn phải chia nhỏ ra cho 6 thương lái mới bán hết số lợn trong chuồng.
Người chăn nuôi cả nước đang đối mặt với 3 thách thức: dịch COVID-19, dịch bệnh trong chuồng và giá thấp kỷ lục. (Ảnh: TTXVN)
"Mỗi con lợn xuất chuồng, các hộ chăn nuôi đang chịu lỗ xấp xỉ 2 triệu/con. Nếu giá lợn tiếp tục thấp như thế này, chỉ trong vòng 2 - 3 tháng tới, các trang trại không có tài chính tốt sẽ rất khó khăn", ông Phạm Bá Vang, người chăn nuôi tại Thái Bình, chia sẻ.
Còn tại Hà Nội, với 30 con lợn, anh Dần (xã Phú Cát, Quốc Oai) đang tận dụng rau củ, bớt tiền cám cố chờ xem giá có lên không. Anh và nhiều nông dân đang ở trong tình thế nuôi không được, bán cũng không đành.
"Cám quá cao. Tuy nhiên để giải quyết, vẫn phải gọi thương lái đến bán vì càng chờ càng mất giá", anh Ngô Văn Dần cho biết.
Cùng lúc, người chăn nuôi cả nước đang đối mặt với 3 thách thức: dịch COVID-19, dịch bệnh trong chuồng và giá thấp kỷ lục. Hiện thương lái chỉ mua 30 - 40% lượng lợn cần bán, lợn quá lứa gần như không ai quan tâm.
Điều tiết thị trường chậm trễ
Có một nghịch lý là trong khi tại chuồng đang dư thừa, giá thấp chỉ ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg lợn hơi, giá thịt lợn tại chợ vẫn ở mức gấp đôi, gấp 3, khoảng 80.000 - 110.000 đồng/kg, thậm chí ở siêu thị có loại còn lên tới 200.000 đồng/kg.
Giá lợn từ chuồng về đến chợ hay siêu thị qua các khâu trung gian đã đội thêm khoảng 50 - 60%. Nhìn toàn chuỗi có thể thấy lợi nhuận lớn nằm từ khâu giết mổ đến khâu đưa ra thị trường.
Sau một thời gian giãn cách xã hội khiến nhu cầu thịt lợn xuống thấp, lẽ ra giá thịt lợn cũng sẽ phải thấp hơn, nhưng diễn biến thị trường hiện nay lại đi ngược quy luật này. Trong khi giá lợn hơi xuống thấp, giá bán sản phẩm thịt lợn lại ở mức cao. Điều này cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ và những tập đoàn chăn nuôi lớn khép kín đang có lợi nhuận lớn. Một câu hỏi đặt ra là: Vì sao các bộ có liên quan chưa có những giải pháp để điều tiết kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho số đông là người chăn nuôi và người tiêu dùng?. Ước tính sơ bộ, khoảng 8 triệu con lợn hiện nay đang tồn đọng.
Tình trạng thừa thịt lợn như năm 2017 đã lặp lại trong năm nay, nhưng theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, các bộ liên quan hoàn toàn có thể đưa ra các kịch bản để xử lý, ngay cả khi tại Việt Nam, những doanh nghiệp chăn nuôi có số lượng lớn và doanh nghiệp bán lẻ lớn có khả năng chi phối, điều tiết thị trường là doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi giá lợn hơi xuống thấp, giá bán sản phẩm thịt lợn vẫn ở mức cao. (Ảnh: TTXVN)
"Chúng ta phải định hướng cho bà con nông dân phải được bảo tồn vốn, bảo tồn nguồn lực để người ta tiếp tục phát triển. Như vậy, nhà nước phải vào cuộc ngay, đánh giá lại lợi nhuận nằm trong khâu từ giết mổ ra thị trường, lợi nhuận này cần chia sẻ với bà con nông dân, hay nói một cách khác nhà nước phải quy định giá mua thịt lợn hơi của bà con nông dân", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Trần Thị Dung nhận định.
Thời điểm này, nhiều địa phương chăn nuôi lớn đã đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ rào cản về kỹ thuật đông lạnh để các doanh nghiệp tăng cường thu mua của nông dân cấp đông, đồng thời đưa thịt lợn vào danh mục được bảo trợ, hỗ trợ chế biến.
"Nhà nước cần khuyến khích mỗi tỉnh đều có một lò giết mổ để giết mổ đưa vào thành phố, để chủ động", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc cho hay.
"Dự báo và kiểm đếm làm sao để có thể hài hòa được cung - cầu để tránh tình trạng những người chăn nuôi không biết mò ở đâu và phát triển đàn một cách ồ ạt", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nói.
Người chăn nuôi đang thua lỗ nặng, trong khi người tiêu dùng vẫn hàng ngày bị móc túi là một thực tế vô lý ai cũng nhìn thấy, nhưng rất ít người hành động.
Ước tính khoảng 2 - 3 tháng tới, số lượng lợn tồn đọng lên đến 8 triệu con mới có thể giải quyết được. Lo ngại tái đàn là lỗ nên lúc này, nhiều hộ chăn nuôi đang phá đàn bằng cách ngay khi lợn mẹ đẻ con ra thì hủy luôn lợn con. Nguy cơ từ thừa sang thiếu sẽ hiện hữu vào Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm sau nếu những giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước không được 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương có ngay những hành động kịp thời.
Giá lợn thấp, giá thịt cao, người nuôi thua lỗ, người tiêu dùng bị 'móc túi'
Trong khi giá lợn hơi đang phổ biến mức dưới 40.000 đồng/kg thì thịt lợn ở siêu thị vẫn bán với giá cao ngất. Nghịch lý này khiến người chăn nuôi lợn đang thua lỗ nặng, còn người tiêu dùng lại bị móc túi....
Theo vtv.vn