Khủng hoảng năng lượng gây ra làn sóng tăng giá mới
Theo Financial Times, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến giá kim loại đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Làn sóng tăng giá mới được kích hoạt bởi sự thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu, chủ yếu là than và khí đốt. Theo sàn giao dịch kim loại London Metal Exchange, giá đồng trong tháng 10 đã tăng lên 10.000 USD, phá kỷ lục 10 năm và giá kẽm tăng trên 3.500 USD - lần cuối cùng giá của kim loại này tăng cao kỷ lục là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Do giá năng lượng tăng mạnh khiến chi phí của các nhà sản xuất từ Chile đến Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Vào tháng 10, một trong những nhà cung cấp kẽm lớn nhất thế giới, Nyrstar, đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm một nửa sản lượng tại 3 nhà máy ở châu Âu.
Ngoài ra, công ty thép lớn nhất châu Âu, ArcelorMittal, cũng cảnh báo về việc cắt giảm một phần sản lượng. Nhu cầu cao và gián đoạn nguồn cung là những yếu tố bổ sung đằng sau sự gia tăng giá kim loại.
Kim loại đã trở thành “nạn nhân” bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Dự trữ đồng trong các kho niêm yết trên sàn giao dịch kim loại London đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 vào tháng 10. Trở lại vào tháng 9, khối lượng của chúng là 200 nghìn tấn và bây giờ đã giảm xuống còn 14,15 nghìn tấn, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng, dự trữ sẽ giảm kỷ lục vào cuối năm 2021 và có thể “cạn kiệt hoàn toàn” vào quý II/2022.
Ông John Browning, nhà phân tích thuộc công ty BANDS Financial ở Thượng Hải cho biết: “Các nhà đầu tư tìm đến kim loại với dự đoán rằng sản lượng bị cắt giảm, do giá điện tăng cao, sẽ nhiều hơn mức giảm nhu cầu nếu có”.
Với việc giá kim loại tăng cao, các nhà phân tích cũng lo ngại về nguy cơ nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhà sản xuất, các đối tượng tiêu thụ kim loại chủ chốt sẽ phải đối mặt với sự gia tăng giá các nguyên liệu thô trên diện rộng. Ngoài ra, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, nhu cầu nguyên liệu tại các nhà máy ở Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, có thể gây thất vọng.
Tuy nhiên, với tình trạng mùa đông đang đến gần dự kiến sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng, ngân hàng ANZ dự báo giá điện cao và khả năng thiếu hụt điện kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cung nhiều hơn là cầu mặt hàng kim loại trong những tháng tới.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo, theo đó giá khí đốt ở châu Âu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng khác. Các chuyên gia cho rằng, giá khí đốt cao sẽ dẫn đến nhu cầu dầu bổ sung là 500 nghìn thùng mỗi ngày vì nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng dầu vì rẻ hơn khí đốt.
Bên cạnh đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng thông báo mức tiêu thụ dầu có thể sẽ tăng vào cuối năm 2021. Các đại diện của OPEC giải thích dự báo nhu cầu lớn là do mùa sưởi ấm và chi phí khí đốt ngày càng tăng.
Phó Thủ tướng Nga: Nord Stream 2 sẵn sàng ra mắt trong những ngày tới
RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga” cho biết, đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) gần như đã sẵn sàng để khởi động.
Thanh Bình (lược dịch)