Vì sao F0 tự test nhanh lúc âm tính, lúc dương?
Nhiều người là F0 theo dõi tại nhà và họ tự test nhanh nhưng có lúc âm tính, lúc dương tính. Các bác sĩ cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến kết quả test nhanh không đồng nhất.
Nguyễn Gia K. (23 tuổi, phường 8, quận 6, TP.HCM) chia sẻ K. và mẹ ở cùng nhà đang là F0. Mẹ của K. đã có triệu chứng từ 7 ngày trước sau đó mới đến K. Vì hai mẹ con tự theo dõi tại nhà nên tự lấy mẫu xét nghiệm cho nhau. 3 ngày K. lấy mẫu 1 lần. Tuy nhiên, K. thắc mắc có lúc test nhanh âm tính, hai mẹ con mừng vì nghĩ hết virus nhưng chiều tối tiện test lại lại dương tính. Trong 1 tuần qua, nhiều lần mẹ con K. rơi vào tình trạng này.
Cũng giống K., ông Phạm Văn B. (54 tuổi, Bà Điểm, Hooc Môn, TP.HCM), cho biết gia đình ông cả 5 người đều là F0, cháu nội bé nhất 9 tháng tuổi. Cả nhà tự theo dõi và ăn uống theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Con trai ông B. lên mạng học cách tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên nhưng kết quả vẫn sai lệch có lúc âm tính, lúc lại dương. Thậm chí, bản thân ông B. có triệu chứng sau 4 ngày test âm tính và đến ngày thứ 6 test lại thấy hai vạch mờ mờ.
Điều ông lo lắng khi âm tính rồi lại dương có phải là tái nhiễm hay không?
Vị trí lấy mẫu xét nghiệm. |
Theo TS BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Nhi đồng 1, TP.HCM, việc test nhanh trên một người lúc âm tính, lúc dương là hoàn toàn bình thường. BS Nhàn cho biết bản thân ông cũng nhận được thắc mắc của một nhiều người về kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên, cụ thể là tại sao trên cùng một người xét nghiệm lúc dương lúc âm tính.
TS Nhàn cho biết, theo kết quả một nghiên cứu tổng quan hệ thống tổng hợp từ 83 nghiên cứu thoả tiêu chí về chất lượng dữ liệu từ 1.695 nghiên cứu được thực hiện nhiều nơi trên thế giới cho thấy, những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến độ nhạy (khả năng cho kết quả dương tính trong số những người mắc bệnh) của xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 gồm: Vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ vi rút trong mẫu bệnh phẩm.
Đối với vị trí lấy mẫu rất quan trọng. Nếu lấy không đúng vị trí thì tỷ lệ dương tính sẽ thấp hơn.
Mẫu sau khi lấy xong, nếu chưa thực hiện xét nghiệm ngay nên được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C trước khi đưa về phòng xét nghiệm.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Nhàn, thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm.
Theo nghiên cứu trên, thời gian này dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy là 86,2% (81,8-89,7) trong khi trên 7 ngày là 70,8% (60,7-79,2). Ngoài ra, nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng (80,1% vs 54,8%).
Nồng độ vi rút trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng dương tính của xét nghiệm. Cụ thể nếu Ct<=25 thì độ nhạy là 96,4% (94,3-97,7) trong khi Ct<=30 độ nhạy là 89,5% (85,3-92,5). Tuy nhiên, nếu Ct>30 thì độ nhạy giảm còn 18,7% (12,9-26,3).
Mặt khác, nếu khoảng cách giữa hai lần lấy mẫu gần nhau và cùng lấy một vị trí (một bên mũi) thì khả năng xét nghiệm dương tính cũng giảm do lượng mẫu bệnh phẩm lần 2 đã giảm.
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi xét nghiệm lấy dịch tỵ hầu phải yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ. Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.
Tay kia đưa nhẹ nhàng tăm bông vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp tăm bông đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút tăm bông ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy tăm bông chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút tăm bông ra. Giữ tăm bông tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút tăm bông ra.
Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ quay về phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ đỡ đầu trẻ ngả ra phía sau.
Phương Thúy
F0 chậm được hướng dẫn điều trị, cần làm gì để không lây chéo người thân?
Trong lúc chờ kết quả, hay cơ quan chuyên môn đưa ra hướng điều trị, F0 không được ra khỏi nhà, phải tách F1 ra khỏi F0, cách ly F0 ngay tại nhà.
Nhóm y bác sĩ quân y lập Fanpage hỗ trợ miễn phí người dân Thủ đô mắc Covid-19
Công bố công khai số điện thoại, sẵn sàng giải đáp miễn phí những thắc mắc về bệnh Covid-19 qua mọi hình thức zalo, chat…