TP.HCM mở rộng xét nghiệm để 'bóc' F0 khỏi cộng đồng: Bây giờ có kịp không?
Theo các chuyên gia, hiện tại nếu mở rộng xét nghiệm để 'bóc' F0 ra khỏi cộng đồng ở TP.HCM đã không còn kịp thời vì virus lây nhanh hơn, nguy cơ lây nhiễm chéo khi lấy mẫu.
'Ma trận' giá kit test nhanh Covid-19, âm tính nên xét nghiệm lại sau 3 ngày
Hiện nay TP.HCM đã cho phép người dân mua các bộ kit test nhanh Covid-19 về test tại nhà nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, Hà Nội chưa có khuyến cáo, tuy nhiên các bộ test nhanh Covid-19 cũng được chào bán vô cùng náo nhiệt
Không theo kịp virus
Mới đây, TP.HCM đã đưa ra kế hoạch tăng cường xét nghiệm, dự tính xét nghiệm khoảng 10 triệu dân TP.HCM, mục đích của chiến dịch này nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 để điều trị hiệu quả, thu hẹp “vùng đỏ”, "vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh”.
Thông tin này gây nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng các bác sĩ của TP.HCM. Một bác sĩ công tác tại đại học Y Dược TP.HCM cho rằng thời điểm này không nên mở rộng xét nghiệm nữa mà tập trung điều trị, hướng dẫn và theo dõi sát F0 có nguy cơ nặng.
Bạn Nguyễn Gia Kim, đang là sinh viên, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM cho biết lần giãn cách thứ nhất cả tháng e và mẹ chỉ ở nhà không ra ngoài nhưng đến khi gọi đi test tập trung về sau 4 ngày em có triệu chứng và test nhanh tại bệnh viện quận em dương tính với Covid-19.
BS Trương Hữu Khanh – Ban phòng chống Covid-19, BV Nhi đồng 1 cho rằng nếu mở rộng xét nghiệm ở thời điểm này thì con người vẫn không chạy theo virus được. Tốc độ lây lan của biến chủng virus này rất nhanh chỉ 1,2 ngày đã hết 1 chu kỳ, thời gian ủ bệnh ngắn nên bây giờ xét nghiệm truy vết không còn là chiến lược phù hợp.
Mặt khác, BS Khanh cho rằng khi phải đạt tốc độ xét nghiệm nhanh sẽ không đảm bảo được công tác phòng chống nhiễm khuẩn, khử khuẩn sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong lúc lấy mẫu xét nghiệm.
Theo BS Khanh lúc này thành phố nên tập trung vào việc sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao như có bệnh mãn tính, người già chưa được tiêm vắc xin Covid-19 để bảo vệ họ. Các tổ dân phố, phường xã phải thống kê trên địa bàn có bao nhiêu F0 ở mức nguy cơ trở nặng cần hỗ trợ. Các nguy cơ đó là béo phì, bệnh nền, người trên 65 tuổi, y tế phải nắm được để có biện pháp kịp thời hỗ trợ y tế, giảm nguy cơ tử vong.
Xét nghiệm cho người dân tại TP.HCM. |
Âm tính giả
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA cho rằng đứng ở góc độ người làm khoa học, dựa trên các kết quả thực tế ở nhiều nước trên thế giới và kết quả của chính Việt Nam trong một chiến dịch tương tự hồi đầu tháng 7, đây là một việc không nên làm vì “lợi bất cập hại”, nhất là trong tình hình dịch ngày càng phức tạp, thiếu nhân viên y tế, thiếu vắc xin.
Bởi vì, để đạt được công tác xét nghiệm của chiến dịch này phải đạt được 2 mục tiêu đó là “chính xác” và “nhanh”. Tuy nhiên, dựa trên các “dữ liệu khoa học” và “tình hình thực tế” thì thực sự 2 mục tiêu này đều rất khó đạt được.
Chúng ta cần biết rằng khi virus SARS-CoV-2 lây nhiễm lên người và gây bệnh COVID-19 là một “tiến trình”, trong đó có sự “thay đổi liên tục” về số lượng virus, vị trí phân bố của virus và sự thay đổi của kháng thể trong cơ thể người bệnh.
Do vậy, những xét nghiệm có độ nhạy cao và độ đặc hiệu cao hiện nay như RT-PCR dựa trên việc phát hiện bộ gene của virus được xem là tiêu chuẩn vàng vẫn có những thời điểm cho kết quả “âm tính giả” cao, nhất là trong những ngày đầu mới nhiễm virus.
Kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh sau đó vì có thể thời gian lấy mẫu quá sớm đã tạo hiện tượng âm tính giả. Vì vậy, cần test vài lần cách vài ngày để cho kết quả thật sự tin cậy.
Ngoài ra, tỉ lệ âm tính giả sẽ còn cao hơn khi kết hợp với những sai số kỹ thuật do con người hoặc do máy móc như: Người lấy mẫu không chuyên nghiệp không chạm được vào nơi cần lấy mẫu (nên không thu được lượng virus cần). Bảo quản mẫu không đạt tiêu chuẩn (ví dụ như nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể làm hư mẫu). Thao tác của nhân viên xử lý mẫu không chuyên nghiệp không thu được mRNA của virus. Các sai số do máy móc ví dụ do sử dụng một thời gian nhưng chưa được chuẩn lại các thông số.
Thực tế, hiện nay đang thiếu nhân viên y tế để lấy mẫu này trên diện rộng hàng triệu người trong thời gian ngắn thì áp lực cho những nhân viên y tế còn lại này sẽ là quá lớn và thậm chí phải sử dụng những người không có chuyên môn. Tất cả những việc này sẽ càng làm sai số tăng cao hơn nữa.
Việc thiếu nhân lực, áp lực thời gian và áp lực chỉ tiêu đặt ra có thể dẫn đến việc lấy mẫu vội, không đảm bảo được kỹ thuật, khó đảm bảo được việc giữ khoảng cách giữa những người được lấy mẫu, và khó thực hiện tốt các công tác vô trùng giữa những lần lấy mẫu. Hậu quả dẫn đến “lây nhiễm chéo” giữa những người đến test và thậm chí cả nhân viên đi lấy mẫu.
TS Vũ đề xuất trong tình hình hiện nay, TP.HCM nên tập trung vào việc xét nghiệm những người có nguy cơ cao bị nhiễm, những người trực tiếp tiếp xúc F0, những nhân viên y tế tuyến đầu, những người làm công việc tiếp xúc với nhiều người, để nâng cao chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai số, giảm rủi ro lây nhiễm chéo, giảm sức ép cho nhân viên y tế và giảm chi phí tốn kém, sử dụng nguồn lực để điều trị F0, hỗ trợ kinh tế cho người dân…
Khánh Chi
Nữ tiếp viên hàng không trong nhóm 'mai táng 0 đồng' nạn nhân Covid-19
Có người tử vong thuê nhà, khi qua đời chủ nhà đưa thi thể ra ngoài hẻm, có người tử vong trong nhà chẳng có ai bên cạnh, những mảnh đời khó khăn qua đời do Covid-19 được nhóm mai táng 0 đồng hỗ trợ chặng cuối
Tự 'chiến đấu' và vượt qua Covid-19 ở tâm dịch Malaysia
Những ngày qua ở Malaysia mỗi ngày cũng ghi nhận hơn 20 nghìn ca mắc Covid-19. Chị Nguyễn E.M - đang sinh sống tại Kuala Lumpur mắc Covid-19 chia sẻ về những ngày tự chiến đấu và vượt qua Covid-19 ở bên xứ người.