'Thẻ xanh Covid-19 kiểm soát dịch chứ không phải kiểm soát con người'
Đến thời điểm hiện tại, người dân TP.HCM sau gần 4 tháng giãn cách, phong toả hồi hộp chờ đợi kịch bản thích ứng với Covid-19 mới.
Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP. HCM về các kịch bản thích ứng với Covid-19 của TP.HCM sau 1/10.
Hiện nay Bộ Y tế đã có dự thảo Hướng dẫn tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và người dân TP.HCM đang mong đợi những tín hiệu mừng sau 30/9. Theo ông, kịch bản nào để chúng ta sống chung với virus SARS-CoV-2?
PGS Đỗ Văn Dũng: Làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam quá dữ dội. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chúng ta đã tạm thời kiểm soát được. Sống chung với Covid-19 theo tôi chúng ta có các kịch bản khác nhau.
Kịch bản thứ 1: Kịch bản vắc xin có hiệu lực nhưng tuân thủ của người dân không tốt thì bệnh vẫn có khả năng lây lan, tăng cường độ lây truyền tới ngưỡng dự báo là quá tải hệ thống tháp điều trị 3 tầng thì khi đó sẽ phải đóng cửa trở lại.
Kịch bản thứ 2: Chúng ta có mở cửa nhưng người dân đã tuân thủ ý thức, kiểm soát dịch 1 phần, tiêm chủng, phòng chống dịch tốt hơn kiềm chế tỷ lệ mắc như hiện nay thì chúng ta có thể kéo dài tình trạng mở cửa một phần. Kịch bản này không phải là điều mong muốn nhưng cũng tạm chấp nhận được.
Tiêm vắc xin cho người dân TP.HCM. |
Kịch bản thứ 3: Tỷ lệ tiêm đủ vắc xin 2 mũi gia tăng, người dân tham gia các hoạt động lao động sinh hoạt, lao động sản xuất, giải trí nhưng vẫn giữ nguy cơ lây lan thấp, tỷ lệ mắc và tử vong giảm dần thì chúng ta có thể trở về cuộc sống bình thường mới. Theo tôi, chúng ta cần 5,6 tháng nữa nếu làm tốt mới có thể làm được kịch bản này.
Nhiều quốc gia ở châu Âu, Mỹ cũng trải qua các làn sóng Covid-19 lịch sử và đến nay họ đã dần mở cửa trở lại. Theo ông, chúng ta có thể tham khảo mô hình “sống chung” của quốc gia nào?
PGS Đỗ Văn Dũng: Quốc gia tôi ấn tượng hiện nay là Pháp, họ làm rất tốt. Pháp có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao ở châu Âu. Pháp có các biện pháp nếu người dân không tiêm đủ vắc xin sẽ hạn chế hoạt động xã hội. Khi đó, tỷ lệ tiêm chủng sẽ tăng, tỷ lệ lây truyền và tử vong sẽ thấp hơn. Các thống kê gần đây của Pháp trong 1000 người bị Covid-19 chỉ có 1 người bị nặng.
Nếu được như vậy thì Covid-19 còn nhẹ hơn cả bệnh cúm. Cúm có nhược điểm đó là hiệu lực vắc xin không được 90% như Covid-19. Vắc xin cúm hiệu lực chỉ đạt 60%. Tôi thấy mô hình sống chung này khá hợp lý, phù hợp với nước ta.
Đánh giá về tình hình dịch tại TP.HCM, theo ông thành phố nên 'thoát phong toả' như thế nào cho phù hợp.
PGS Đỗ Văn Dũng: Tôi nghĩ lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo ngành y của thành phố đều có lộ trình. Tôi có tham gia 1 vài góc nhỏ thì việc chuẩn bị rất công phu. Việc mở cửa theo lộ trình rõ ràng, đánh giá đầy đủ động lực của truyền nhiễm, giảm thấp mức độ lây nhiễm, củng cố năng lực đáp ứng của ngành y tế, có kế hoạch mở 1 số lĩnh vực hoạt động phù hợp với hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia và phù hợp với năng lực của TP.HCM
Tuy nhiên, theo tôi việc mở cửa phải gắn liền đánh giá liên tục diễn tiến của dịch. Cường độ lây nhiễm có thể khác đi nếu mở cửa. TP.HCM phải đánh giá đầy đủ các khía cạnh của giám sát dịch tễ.
PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP. HCM cho rằng thẻ xanh Covid-19 kiểm soát dịch chứ không phải kiểm soát con người |
TP.HCM mở trở lại theo mức độ bảo vệ của cá nhân. Ví dụ người tiêm chủng được đi đến khu vực nào đó, được tham gia hoạt động rộng rãi hơn so với người chưa tiêm chủng. Việc mở cửa phải thận trọng không thể mở cửa như bình thường cũ được.
Tại TP.HCM, người dân đều hi vọng từ 1/10 họ có thể trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Các tiêu chí thẻ xanh Covid-19 có thực sự cần thiết không?
PGS Đỗ Văn Dũng: Thẻ xanh Covid-19 không phải là phép lạ gì, đây là biện pháp phân loại nguy cơ của từng cá nhân. Có người thích có người không thích nhưng để phân loại cá nhân theo mức độ nguy cơ của họ sẽ quan trọng giúp giảm lây lan.
Ví dụ trong phòng họp nếu bạn tiêm đủ vắc xin và những người xung quanh cũng tiêm chủng đủ thì khả năng mắc bệnh thấp, khả năng lây lan thấp hơn. Việc phân tầng này an toàn cho cả người được tiêm và người không được tiêm.
Tuy nhiên, thẻ xanh Covid-19 phải nhắm mục tiêu kiểm soát dịch chứ không phải kiểm soát con người.
Chúng tôi góp ý có cần kiểm soát thẻ xanh trên đường đi hay không? Giám sát thẻ xanh Covid-19 như giấy đi đường là không cần thiết, có thể giám sát như kiểm tra bằng lái xe, kiểm tra bất chợt chứ không kiểm tra trên đường đi. Nếu bạn đi xe cá nhân trên đường đi lây lan dịch bệnh hầu như không có nếu dừng lại kiểm tra có thể lại vi phạm 5K.
Thẻ xanh Covid-19 cần kiểm soát ở bên trong, ví dụ cơ quan, công sở. Hoặc trong tương lai có thể có các hoạt động giải trí như xem phim người tiêm chủng đủ sẽ được xem phim. Thẻ xanh Covid nếu dùng linh hoạt, không tạo rào cản cho người dân mà chỉ là để đánh giá nguy cơ của từng người thì hoàn toàn phù hợp. Nhưng nếu người không có thẻ xanh, không có QR code có thể mang thẻ tiêm giấy để chứng minh.
Về phía cộng đồng, khi đã tiêm đủ vắc xin người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp như thế nào?
PGS Đỗ Văn Dũng: Khi mở cửa, cần thích ứng an toàn và linh hoạt. Linh hoạt là tỷ lệ lây nhiễm cao trở lại thì có khả năng sẽ đóng cửa trở lại.
Nếu người dân vì sức khoẻ của mình, sinh kế của mình, vì muốn cuộc sống an toàn, đầy đủ thì việc tuân thủ phòng chống dịch sẽ rất quan trọng.
Vì nếu dịch gia tăng lại sẽ đóng của lại thì người dân sẽ ảnh hưởng nhiều đặc biệt là ảnh hưởng tới kế sinh nhai của họ.
Hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin đã cao hơn thì nguy cơ về sức khoẻ giảm đi. Nếu trước đó còn mơ hồ về Covid-19 thì tôi thấy hiện tại người dân đã hiểu Covid-19 rất cụ thể. Họ đã biết thực hiện 5K và tiêm vắc xin và chỉ cần tuân thủ tốt nữa thì chúng ta sẽ về kịch bản số 3 nhanh hơn.
Vâng xin cảm ơn ông!
Phương Thuý