Người đặt stent mạch vành có được tiêm vắc xin phòng Covid-19 không?
Bệnh nhân sau mổ thay van tim nhân tạo, đặt stent động mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim… có thể tiêm vắc xin Covid-19 an toàn.
Người đặt stent mạch vành có được tiêm vắc xin phòng Covid-19 không? (ảnh minh hoạ) |
3 năm trước, bố tôi thường xuyên bị đau ngực, khó thở, đi khám bác sĩ kết luận ông bị tắc hẹp mạch vành. Các bác sĩ kê đơn cho ông uống thuốc nhưng tình trạng không được cải thiện. Tháng 1/2020, ông được chỉ định đặt đặt stent mạch vành.
Xin hỏi, với tiền sử bệnh như bố tôi có được tiêm phòng vắc xin Covid-19 hay không?
Có bất kỳ tương tác nào đã biết của vắc xin phòng Covid -19 với thuốc chữa bệnh tim không? Nếu bố tôi đủ điều kiện tiêm chủng thì có cần phải ngưng uống thuốc tim hàng ngày trước và sau khi tiêm hay không?
Trả lời các câu hỏi này, BS. Bùi Văn Thường - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không có biến chứng nào được ghi nhận là vắc xin Covid-19 ảnh hưởng lên van tim nhân tạo sinh học/cơ học, stent động mạch vành cũng như các thiết bị cấy ghép khác.
Bệnh nhân sau mổ thay van tim nhân tạo, đặt stent động mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim… có thể tiêm vắc xin Covid-19 an toàn. Tuy nhiên, khi đi tiêm hãy nói cho bác sỹ biết về các thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu bạn đang dùng.
Giải đáp thêm vấn đề này, TS. BS Phạm Như Hùng - Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, người có bệnh lý tim mạch nên được tiêm sớm vắc xin phòng Covid- 19. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những bệnh nhân tim mạch tăng nguy cơ cao hơn các biến chứng của Covid-19 đặc biệt những bệnh nhân này lượng virus vào phổi và tim nhiều hơn so với bệnh nhân không có bệnh tim mạch.
Những bệnh nhân có bệnh tim mạch thường bị nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn do virus SARS-CoV-2 tác động mạnh lên tim qua nhiều cơ chế, trong đó nặng nhất là viêm nhiễm tác động lên tim. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều này là tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhấn mạnh vắc xin không phải là ngăn ngừa bệnh nhân tim mạch không mắc Covid-19, nhưng TS Như Hùng cho rằng nó làm giảm đi các biến chứng nặng cho bệnh nhân tim mạch, làm cho bệnh nhân tim mạch ít bị tử vong hơn và nhập viện cũng giảm hơn hẳn so với không tiêm vắc xin.
Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch như những bệnh nhân rung nhĩ, đau ngực, bệnh cơ tim giãn, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, suy tim, huyết khối mạch phổi, bệnh mạch ngoại vi, bệnh lý van tim, tai biến mạch não đều nên được tiêm vắc xin Covid-19.
Với những bệnh nhân không có bệnh tim mạch, tỷ lệ lợi ích và nguy cơ khi tiêm vắc xin dao động từ 2.200/1 lên đến 220.000/1 tùy theo nhóm tuổi. Với những bệnh nhân tim mạch tỷ lệ lợi ích và nguy cơ còn cao hơn nhiều.
Như vậy, bệnh nhân tim mạch nên là những người trong nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin Covid- 19. Bệnh nhân tim mạch không phải là những người có nguy cơ cao dễ bị tác dụng phụ của vắc xin Covid- 19. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch là chống chỉ định với tiêm vắc xin Covid-19.
Với câu hỏi có cần phải ngưng uống thuốc tim hàng ngày trước và sau khi tiêm hay không, BS. Bùi Văn Thường cho rằng, hiện không có báo cáo về tương tác giữa vắc xin phòng Covid-19 và các thuốc điều trị tim mạch. Người bệnh không được ngừng các loại thuốc điều trị tim mạch trước và sau khi tiêm vắc xin.
Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông, kháng kết tập tiểu cầu) có thể bị đau, sưng và bầm tím xung quanh vết tiêm. Nên sử dụng một cây kim nhỏ (cỡ 23 hoặc 25) để tiêm chủng, sau tiêm ấn mạnh vào vết thương mà không cọ xát trong ít nhất hai phút.
Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ tụ máu do tiêm. Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng vitamin K nên duy trì INR ở giới hạn dưới của điều trị.
Các loại vắc xin Covid-19 được sử dụng bằng đường tiêm bắp, không có khuyến cáo về việc tiêm vắc xin Covid -19 dưới da để giảm nguy cơ chảy máu, bầm tụ máu sau tiêm.
N. Huyền
Bị hoãn tiêm vắc xin tại phường, vào viện mạch vẫn nhanh có được tiêm hay không?
Bị hoãn tiêm vắc xin ở phường vì mạch nhanh, chị M băn khoăn nếu vào viện mà mạch vẫn nhanh thì liệu có được tiêm hay không? Nếu không phải do bệnh lý thì có cách nào nhịp tim trở về bình thường để đủ điều kiện tiêm chủng?
Vì sao sau tiêm vắc xin vài ngày vẫn mắc Covid-19, bệnh có tiến triển nặng lên?
Nhiều bác sĩ cho rằng khi số ca F0 quá nhiều thì những nơi tập trung đông người như các điểm tiêm vắc xin cũng có thể là nơi lây nhiễm nếu bản thân người đi tiêm không phòng ngừa kỹ
Sốc phản vệ thực phẩm có tiêm vắc xin Covid-19 được không?
Theo GS Nguyễn Văn Kính, người đã từng bị sốc phản vệ với bất cứ dị nguyên nào từ thực phẩm tới thuốc (không có trong thành phần vắc xin) đều thuộc nhóm cẩn trọng tiêm vắc xin Covid-19.