Bị hoãn tiêm vắc xin tại phường, vào viện mạch vẫn nhanh có được tiêm hay không?
Bị hoãn tiêm vắc xin ở phường vì mạch nhanh, chị M băn khoăn nếu vào viện mà mạch vẫn nhanh thì liệu có được tiêm hay không? Nếu không phải do bệnh lý thì có cách nào nhịp tim trở về bình thường để đủ điều kiện tiêm chủng?
Bị hoãn tiêm tại phường nếu vào viện mà mạch vẫn nhanh có được tiêm hay không? (Ảnh minh hoạ) |
Vì sao sau tiêm vắc xin vài ngày vẫn mắc Covid-19, bệnh có tiến triển nặng lên?
Nhiều bác sĩ cho rằng khi số ca F0 quá nhiều thì những nơi tập trung đông người như các điểm tiêm vắc xin cũng có thể là nơi lây nhiễm nếu bản thân người đi tiêm không phòng ngừa kỹ
Chị Nguyễn Thanh M. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, không rõ do quá căng thẳng kèm lo sợ hay không mà khi đi tiêm theo danh sách ở phường, trống ngực chị đánh rất mạnh.
Kết quả là chị M bị hoãn tiêm do mạch nhanh. Các bác sĩ khám sàng lọc tại điểm tiêm cho biết sẽ chuyển danh sách những người như chị đến bệnh viện để tiêm.
Chị M. băn khoăn không biết tới đây khi vào viện mà mạch vẫn nhanh thì liệu có được tiêm hay không? Nếu không phải nhịp nhanh do bệnh lý thì có cách nào trở về bình thường để đủ điều kiện tiêm chủng?
Và với các bệnh nhân có rối loạn nhịp tim như rung nhĩ/nhịp nhanh xoang/ngoại tâm thu thất có tiêm vắc xin phòng Covid-19 được hay không?
Trả lời câu hỏi này với phóng viên Infonet, TS. BS Vũ Minh Điền Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mạch của người bình thường trung bình là 70 l/p (60- 100l/p). Nếu mạch lớn hơn 100 l/p là mạch nhanh, cần thận trọng khi tiêm vắc xin.
Nguyên nhân của tình trạng mạch nhanh, theo TS. BS Vũ Minh Điền, có thể là do người đi tiêm bị hồi hộp, cường giao cảm hoặc do bệnh lý tim mạch, cường giáp. Do đó, người đi tiêm cần được thăm khám và tiêm ở bệnh viện.
Trong trường hợp do hồi hộp, bác sĩ cho rằng người đi tiêm thả lỏng cơ thể không quá căng thẳng, thư giãn đợi mạch ổn định, trở về trạng thái bình thường thì sẽ được tiêm.
BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, người đi tiêm cần phải có tâm lý thoải mái trước khi tiêm.
Tâm lý thoải mái được nghỉ, được ngủ đầy đủ sẽ giúp sinh miễn dịch tốt và giảm đi các triệu chứng bất thường, kể cả triệu chứng nặng cũng giảm đi.
Thực tế, ở đợt tiêm đầu tiên cho thấy có nhiều người phản ứng sau tiêm, trong khi vẫn vắc xin đó, ở đợt sau giảm hẳn. Nguyên nhân một phần do yếu tố tâm lý. Vì vậy việc chuẩn bị tâm lý trước khi đi tiêm rất quan trọng, có thể đợi đến khi bớt lo thì đi tiêm.
Trong trường hợp người đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có tiền sử rối loạn nhịp tim như: rung nhĩ/nhịp nhanh xoang/ngoại tâm thu thất, BS BS. Bùi Văn Thường, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai giải thích, không có chống chỉ định tiêm vắc xin ở các nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, trước bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp như rung nhĩ/ngoại tâm thu thất/nhịp nhanh xoang, điều quan trọng là bác sỹ cần xác định liệu bệnh nhân có đang mắc tình trạng cấp tính khác hay không như hội chứng vành cấp, suy tim tiến triển, cường giáp…
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp tim và hiện tại đang điều trị ổn định thì có thể tiêm vắc xin an toàn, tuy nhiên, cần theo dõi sát ở các cơ y tế. Có một số báo cáo về biến cố tắc mạch sau khi tiêm vắc xin, tuy nhiên tỉ lệ này là rất thấp. Các bệnh nhân rung nhĩ có chỉ định dùng thuốc chống đông cần được dùng thuốc chống đông đầy đủ trước khi tiêm vắc xin.
“Nhịp nhanh xoang rất thường gặp khi khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, hầu hết liên quan đến vấn đề tâm lý lo lắng, căng thẳng.
Bác sỹ cần khai thác các triệu chứng khác kèm theo, nếu tất cả đều bình thường, có thể tiêm chủng an toàn.
Tuy nhiên, nhịp tim nhanh có thể làm che giấu đi một số triệu chứng liên quan đến các phản ứng sau khi tiêm, đặc biệt là phản ứng phản vệ”, BS Bùi Văn Thường cho biết.
Liên quan đến các nhóm đối tượng cần được sàng lọc kỹ, ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT (QĐ 3802): “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành (bãi bỏ các hướng dẫn đã được ban hành tại các quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18.6.2021 và 3445/QĐ-BYT ngày 15.7.2021).
Theo đó, tại QĐ 3802, các đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ hơn 37,5 độ C. Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút. Huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hằng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế). Nhịp thở trên 25 lần/phút.
- Người đang bị suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang điều trị hóa trị, xạ trị.
N. Huyền
Quá 3 tháng chưa tiêm mũi 2, hiệu lực bảo vệ của vắc xin có còn?
Các bác sĩ cho rằng bản chất tiêm vắc xin Covid-19 là đưa kháng nguyên vào cơ thể để sinh ra kháng thể. Kháng nguyên không bền vững nên phải tiêm nhắc lại. Vậy quá 3 tháng chưa tiêm mũi 2, hiệu lực bảo vệ của vắc xin có còn?