Người bị dị ứng nên tiêm vắc xin Covid-19 ở bệnh viện hay điểm tiêm cộng đồng?
Theo ngành y, đến cuối năm 2021 sẽ tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam để đến năm 2022 có miễn dịch cộng đồng và đối tượng dị ứng vẫn có thể tiêm vắc xin nhưng tùy theo mức độ.
Càng bệnh nền tăng huyết áp, tim mạch, viêm gan, rối loạn tiền đình... càng phải tiêm vắc xin Covid-19
Theo BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM bản thân ông cũng có bệnh lý tăng huyết áp và cơ địa dị ứng nặng nhưng ông vẫn xung phong tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên.
Lo lắng trước khi tiêm
Anh Thành (27 tuổi) là dân quân tự vệ thuộc Ban chỉ huy quân sự phường 9, Quận 3, TP.HCM tâm sự, công việc của anh thường xuyên đứng chốt ở các chỗ phong tỏa nên việc lo lắng tiếp xúc với các ca bệnh là không tránh khỏi.
Trong đợt tiêm này khi nghe mình được ưu tiên tiêm trước nên anh vui lắm. Anh Thành cũng cho biết anh nghe nhiều về tác dụng phụ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng theo dõi các thông tin về việc theo dõi sau tiêm chủng, anh Thành giảm bớt sự lo lắng và quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt này.
Chị Ngọc Sương (48 tuổi) là nhân viên bán hàng lưu niệm tại khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP.HCM rất vui mừng pha lẫn chút hồi hộp khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này. Vì hồi hộp nên khi khám sàng lọc huyết áp của chị Sương cao bất thường. Sau đó phải chờ nghỉ ngơi để huyết áp ổn định.
Chị chia sẻ cũng có nhiều đồng nghiệp gặp trường hợp như chị nhưng mọi người cũng sẵn lòng chờ để huyết áp ổn định rồi sẽ được tiêm theo đúng quy trình.
Chị Bích Thu (Khu công nghiệp Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ chị bị cơ địa dị ứng phấn hoa. Khi vào khu vực tiêm chủng chị rất lo lắng nhưng được các nhân viên y tế tư vấn chị cũng yên tâm hơn. Chị Thu cũng xin test vắc xin trước khi tiêm nhưng được giải thích việc test không có tác dụng trong phản ứng phản vệ sau tiêm. Sau đó chị Thu được nhân viên tư vấn có thể đến bệnh viện tiêm để an toàn hơn.
Trong đợt tiêm này tại TP HCM diễn ra trong vòng 3 ngày từ 24/6 đến 26/6 với công suất tiêm khoảng 10.000 người/ngày. Thành phố đã huy động khoảng 50 đội tiêm, mỗi đội gồm 5 thành viên đến từ các bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tai mũi họng.
Ở các điểm tiêm, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện đã làm việc xuyên trưa, mỗi bệnh viện chia thành 2 nhóm, luân phiên nhau ăn trưa để đảm bảo công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 không bị gián đoạn.
Điểm tiêm vắc xin Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. |
Tiêm đến đâu an toàn đến đó
Việt Nam tổ chức tiêm vắc xin rất khoa học, bài bản. Hiện Bộ Y tế đã thành lập ban an toàn tiêm chủng vắc xin quốc gia có lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia từ hồi sức cấp cứu, thần kinh, đông máu. Đây là những chuyên gia hàng đầu trong nước tham gia các quy định, quy chuẩn từ việc tổ chức buổi tiêm như thế nào cho an toàn, vận chuyển, bảo quản vắc xin và theo dõi trong, sau khi tiêm.
Hiện Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn online cho hơn 700 điểm cầu trong cả nước, Sở Y tế cũng rà soát tập huấn tới các điểm tiêm.
PGS Đào Xuân Cơ – Phó giám đốc BV Bệnh Bạch Mai cho biết đến hiện tại, các tổ chức tiêm đều được thực hiện an toàn, khoa học.
PGS Cơ cho biết có nhiều người băn khoăn hỏi về việc bị dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc có được test thử vắc xin trước khi tiêm không. Về vấn đề này, Thông tư 51/BYT về cấp cứu phản vệ không quy định thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trước khi sử dụng. Đặc biệt, văc xin Covid-19 lần đầu đưa vào sử dụng cũng không có chỉ định thử phản ứng.
Trong thời gian tới, PGS Cơ cho biết có thể khâu tổ chức tiêm chủng phải khoa học hơn với từng cơ sở nhất là tiêm ngoài cộng đồng. Người có cơ địa khỏe mạnh có thể tiêm tại cộng đồng và có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng ứng phó với trường hợp cấp cứu. Còn trường hợp người dân phải cân nhắc chỉ định như cơ địa dị ứng, tuổi cao, có bệnh mãn tính thì sẽ chủ động tiêm ở các cơ sở y tế có năng lực về hồi sức cấp cứu tốt để có thể ứng phó với phản ứng sau tiêm.
Hiện nhiều người có tâm lý chờ vắc xin tốt hơn vắc xin AstraZeneca, PGS Cơ cho rằng tất cả vắc xin đều có phản ứng phụ. Nhưng khi cả thế giới tập trung tiêm vắc xin Covid-19, lượng người tiêm lớn nên số người có phản ứng phụ sẽ là con số lớn nhưng tỷ lệ so với vắc xin khác cũng như vậy thậm chí thấp hơn. Vì thế, người dân không nên sợ mà nên đi tiêm phòng. Khi cả nước đang tập trung chiến dịch tiêm chủng vắc xin thì người dân cần hợp tác. Chỉ có vắc xin mới tự tin chống dịch được.
Trong quá trình tiêm chủng Covid-19 thì các tỷ lệ phản ứng sau tiêm của Việt Nam cũng giống với các quốc gia khác như tỷ lệ sốt, gai rét, đau sưng chỗ tiêm… Những phản ứng quan ngại nhất đó là phản ứng phản vệ nặng thì số trường hợp này rất ít thậm chí thấp hơn trên thế giới. Hầu hết những bệnh nhân có phản ứng phản vệ sau tiêm độ 2, độ 3 thì chúng ta đều xử lý thành công được hết.
K.Chi
Phó Giám đốc BV Bạch Mai: Biến chứng cục máu đông sau tiêm vắc xin Covid-19 rất nhỏ, Việt Nam chưa có ai
Với vắc xin AstraZeneca, tỉ lệ đông máu đã được báo cáo sau tiêm nhưng tỉ lệ này vô cùng thấp chỉ 1-4/1.000.000 liều. Tại Việt Nam, chưa trường hợp nào sau tiêm có biểu hiện tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu