Phó Giám đốc BV Bạch Mai: Biến chứng cục máu đông sau tiêm vắc xin Covid-19 rất nhỏ, Việt Nam chưa có ai
Với vắc xin AstraZeneca, tỉ lệ đông máu đã được báo cáo sau tiêm nhưng tỉ lệ này vô cùng thấp chỉ 1-4/1.000.000 liều. Tại Việt Nam, chưa trường hợp nào sau tiêm có biểu hiện tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu
Càng bệnh nền tăng huyết áp, tim mạch, viêm gan, rối loạn tiền đình... càng phải tiêm vắc xin Covid-19
Theo BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM bản thân ông cũng có bệnh lý tăng huyết áp và cơ địa dị ứng nặng nhưng ông vẫn xung phong tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên.
Tỷ lệ rất nhỏ
Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 22/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.569.156 liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là 133.843 người.
Theo PGS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc BV Bạch Mai Hà Nội, sau tiêm bất cứ loại vắc xin nào đều có thể gặp những phản ứng phụ sau tiêm, gồm phản ứng phụ thông thường, phản ứng sốc phản vệ.
Với vắc xin AstraZeneca, tỉ lệ đông máu đã được báo cáo sau tiêm. Tuy nhiên, tỉ lệ sốc phản vệ, cục máu đông sau tiêm rất hiếm gặp, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Tại Việt Nam đến nay đã thực hiện tiêm 2,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, 1 số trường hợp phản vệ nặng. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đều được xử trí đúng tại chỗ, người bị phản vệ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở lại trạng thái bình thường.
Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn chi tiết về khám sàng lọc trước tiêm, cấp cứu sốc phản vệ (nếu có) một cách chi tiết, khi tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn này sẽ giảm tối đa nguy cơ sốc phản vệ.
Còn với tác dụng phụ gây huyết khối tắc mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu sau tiêm, vắc xin AstraZeneca Việt Nam đang sử dụng có một tỉ lệ từ 1-4/1.000.000. Cụ thể, 1 triệu người tiêm có 1-4 người có biểu hiện rối loạn đông máu thể hiện bằng huyết khối, tắc mạch, giảm tiểu cầu.
Nhiều người dân quan ngại khi đi tiêm vì lo ngại phản ứng phụ này, nhưng có thể nói, người dân hoàn toàn an tâm. Trong tổng số gần 2 triệu người được tiêm tại Việt Nam, chưa một trường hợp nào có biểu hiện về tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Tiêm cho công nhân tại TP. HCM |
Sau khi tiêm chủng trong 4 tuần đầu nếu có các triệu chứng sau bạn cần chú ý.
Thứ nhất, triệu chứng như phù chân, phù tay, phù dai dẳng.
Thứ hai, có những biểu hiện như tức ngực, khó thở.
Thứ ba, đau bụng dai dẳng không tìm thấy nguyên nhân.
Thứ tư, nôn ói, đau đầu, nhìn mờ, thậm chí co giật, liệt nửa người.
Nếu phát hiện có những triệu chứng này cần đến ngay cơ sở gần nhất để được tư vấn.
Các đối tượng tiêm như thế nào?
Theo Quyết định 2995/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 18/6/2021 về việc Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, người được tiêm chủng được phân làm 4 nhóm: (1) Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng; (2) Nhóm thận trọng tiêm chủng; (3) Nhóm trì hoãn tiêm chủng và (4) Nhóm chống chỉ định tiêm chủng.
Nhóm 1: Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng
Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin. Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Không thuộc các đối tượng được quy định tại nhóm 2, 3 và 4.
Nhóm 2: Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng
Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người trên 65 tuổi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.
+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).
Lưu ý: do chiến dịch tổ chức tại các điểm tiêm tại cộng đồng nên người trên 65 tuổi sẽ hoãn tiêm chờ các đợt tiêm chủng tiếp theo.
Nhóm 3: Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng
- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, …
- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhóm 4: Chống chỉ định
- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Khánh Chi