Dấu hiệu nhận biết người mắc Covid-19 nặng lên, chuyên gia hướng dẫn bài tập tăng cường sức khoẻ
Giám đốc BV Đức Giang khuyến cáo, người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình, đặc biệt là sau khi hoạt động thể lực. Nếu đi bộ trên 10 mét mà thấy hụt hơi thì phải báo cho nhân viên y tế.
Người mắc Covid-19 thấy hụt hơi sau đi bộ 10m cần cảnh giác (ảnh minh hoạ) |
Là một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết khi bản thân mắc Covid-19, việc đầu tiên là người bệnh cần thật bình tĩnh, cố gắng theo dõi sức khỏe của mình.
Trong trường hợp người bệnh sốt trên 38,5 độ, có thể dùng paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. Trẻ em không uống quá 4 lần trong một ngày.
Nếu bị ho, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm ho thông thường (thảo dược hay quất hấp mật ong…). Đồng thời cần báo với nhân viên y tế nếu ho tăng lên nhiều.
Trong quá trình cách ly, để tăng cường miễn dịch, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ vitamin (có thể uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, B, PP…), uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể (răng miệng…).
"Người bệnh có thể tập các động tác thể dục vừa sức như đi bộ vẩy tay…, lưu ý không tập thể dục nặng. Bên cạnh đó, cần cố gắng suy nghĩ tích cực, đọc sách báo, xem tin tức…", TS Thường nói.
Chia sẻ thêm với Infonet, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam hướng dẫn bài tập thở, khí công tăng sức khoẻ “chiến đấu” với dịch bệnh.
Theo lương y Tuấn Giang, tập thở, khí công, dưỡng sinh đặt tư tưởng “lấy khí làm gốc”, cần phải giữ vững nguyên khí để giữ gốc bền chắc, nâng cao chính khí để chống đỡ bệnh tật. Khí công, dưỡng sinh còn có tác dụng “luyện tinh hóa khí” làm tinh sung mãn, khí hóa ra khí, thần, giúp cơ thể khỏe mạnh.
“Tập thở là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút tập thở để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh dịch và cải thiện chức năng hô hấp nếu có bệnh”, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Cụ thể, trong khí công dưỡng sinh thì thở 4 thì là kỹ thuật cơ bản, sau đây là phương pháp thở 4 thì:
Thì 1: Hít vào từ từ bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được (thường đếm từ 1 đến 5), đồng thời phình bụng ra. Lưu ý: Bụng và ngực phải căng lên cùng lúc.
Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Khi đó, cơ ức đòn chũm phải căng, các hõm ở cổ rõ rệt, bụng cứng.
Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ tự nhiên không thúc ép, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.
Thì 4: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Lúc này cả ngực, bụng, tứ chi đều mềm, lép xuống và có cảm giác ấm nóng.
“Người bệnh có thể tập thở ở tư thế ngồi sen hoặc tư thế nằm ngửa, tốt nhất là nằm tư thế ngửa có kê mông bằng gối, chân thẳng 1 tay để lên bụng, 1 tay để lên ngực”, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, vẫn có 15-20% các trường hợp tiến triển dần nặng lên.
“Diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi bệnh nhân, song những yếu có thể là làm tăng nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi, người có bệnh nền, béo phì… Bệnh thường tiến triển nặng vào tuần thứ 2 kể từ khi phát bệnh.
Vì thế, bên cạnh sự theo dõi chặt của nhân viên y tế, người bệnh cũng lắng nghe cơ thể mình. Có mệt mỏi quá, có đau ngực hay không, đặc biệt là tăng lên sau khi hoạt động thể lực. Chẳng hạn sau đi đại tiện, đi bộ trên 10 mét… mà thấy hụt hơi thì phải báo cho nhân viên y tế", TS Thường nhấn mạnh.
TS Thường cũng lưu ý bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 nên đi khám. Theo đó những triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi….
Khi các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Đồng thời người dân cần hạn chế tối đa việc tích trữ oxy, máy đo độ bão hòa oxy tại nhà. Lý do vì khi cơ thể đã tụt oxy cần can thiệp thì phải đến bệnh viện, việc ở nhà sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
N. Huyền
Dân săn lùng máy tạo oxy đề phòng dịch, giá tăng vọt gấp 4 'cháy hàng'
Đầu mối kinh doanh thiết bị y tế tại Hà Nội cho biết, từ vài ngày nay nhu cầu mua máy tạo oxy tăng đột biến. Máy tạo oxy kèm khí dung 5 lít hiện có giá hơn 30 triệu đồng, tăng gấp 4 lần mà không có hàng bán
Hơn 2000 ca F0 mỗi ngày, người dân TP HCM 'săn' máy đo nồng độ oxy máu, thuốc dự trữ
Ngày 14/7, TP.HCM ghi nhận số ca mắc kỷ lục với hơn 2200 ca F0. Nhiều người dân thành phố này bắt đầu tìm mua các dụng cụ cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.