Cho trẻ F0 uống hạ sốt đến mê sảng chỉ vì nghĩ 'sốt cao uống liều cao cho nhanh hạ'
Ngỡ sốt cao thì uống liều cao cho nhanh hạ, một bà mẹ đã khiến con mắc Covid-19 hạ thân nhiệt, lả đi, mê sảng... phải đến viện cấp cứu.
ThS.BSNT Trần Bảo Khánh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Quốc tế Hà Nội, tình nguyện viên tại Tổ cấp cứu Quận Nam Từ Liêm cho biết trong quá trình hỗ trợ cho các F0 tại địa bàn nơi anh làm tình nguyện anh nhận thấy rất nhiều bố mẹ lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.
Theo đó, anh từng phải hỗ trợ đưa đến cấp cứu cho một bé F0 dùng quá liều hạ sốt dẫn tới hạ thân nhiệt , thở nhanh nông, mê sảng. Rất may, bé được đưa đến viện cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Bảo Khánh cho hay, đó là tình trạng chung của các bà mẹ khi thấy con mắc Covid-19 sốt cao. Do đó, mặc dù chưa đủ thời gian 4h theo khuyến cáo của thuốc hạ sốt đã cho con uống lại. Thậm chí có trường hợp cứ nghĩ “sốt cao thì uống liều cao cho nhanh hạ sốt” mà không quan tâm đến độ tuổi cân nặng các cháu.
“Vậy là con chỉ nặng 10kg nhưng cho uống liều hạ sốt 250mg (gấp đôi thông thường)”, BS Trần Bảo Khánh nhấn mạnh.
Một thực tế khác nữa khiến vị bác sĩ này thấy lo lắng đó là tình trạng tự ý mua thuốc, uống thuốc theo đơn trên mạng, theo đơn của quầy thuốc, theo mách nhau của người dân. Điều này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ.
BS Bảo Khánh lưu ý, Bộ Y tế đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị F0 ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em, người dân nên tuân theo dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Đừng nên vì quá lo sợ mà cuống cuồng cho con uống thuốc bất chấp sự nguy hiểm.
Ảnh minh hoạ |
Bổ sung thêm, BS chuyên khoa nhi Nguyễn Mạnh Cường, BV quân y 103, quản trị Nhóm bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0 tại nhà lý giải, sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt (> 37.8° C ở miệng hoặc > 38.2° C trực tràng) hoặc cao hơn so với giá trị bình thường hàng ngày được biết đến của một người.
Sốt có những lợi ích nhất định. Theo đó, hệ miễn dịch trong cơ thể tăng cường hoạt động: kích thích khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt virus SAR-CoV- 2 gây bệnh. Điều này giúp các “chiến binh” tiếp cận “địch” nhanh hơn để tiêu diệt SAR-CoV-2.
“Chính vì vậy, khi cho trẻ tiêm chủng, nếu trẻ lên cơn sốt mà phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sẽ dẫn đến giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể trẻ.
Sốt có tác dụng kích thích các quá trình chuyển hóa trong tế bào và tạo điều kiện cho việc tích lũy năng lượng dự trữ.
Do đó, khi bé nhiệt độ tăng nhẹ các mẹ không dùng hạ sốt, vì sẽ làm giảm đi sức đề kháng chống SAR-CoV- 2 của con”, BS Mạnh Cường khuyến cáo.
Đáng lưu ý, bác sĩ Cường cũng nhấn mạnh nếu dùng sai liều sẽ gây tổn thương gan đối với loại hạ sốt Paracetamol và xuất huyết tiêu hóa nếu dùng Ibuprofen.
Vậy câu hỏi được nhiều bố mẹ quan tâm tại sao phải hạ sốt, khi nào thì mới dùng?
Trả lời câu này, BS Mạnh Cường cho biết khi sốt trên 38.5 độ C bé có thể nguy cơ co giật dẫn đến thiếu oxy não gây các di chứng về thần kinh. Đối với các bé tiền sử giật trước đó thì nhiệt độ có thể thấp hơn (38 độ C). Sốt cao gây tăng nhịp tim (sốt tăng 1 độc C nhịp tim tăng 10 nhịp. Sốt gây đau nhức đầu, buồn nôn, nôn, mất nước (đây chính là lý do vì sao phải uống ozerol).
Ngoài ra, sốt cũng gây mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp. Trẻ quấy khóc, mất ngủ, nằm li bì, nhiều trẻ chán ăn bỏ bú, giãn mạch, nổi ban thậm chí xuất hiện hạch to ở dưới cằm, dưới hàm, sau gáy…
Do đó, khi sốt cao trên 38,5 độ C thì các bậc phụ huynh mới nên cho trẻ uống hạ sốt.
Hiện có các thuốc hạ sốt:
Efferalgan (trẻ nhỏ thường mua viên đạn 80mg hoặc 150mg tùy cân nặng)
Paracetamol (dạng bột, siro, đạn: tùy lứa tuổi của bé để chọn)
“Loại Paracetamol đơn thuần: Loại này chỉ có tác dụng hạ sốt và kháng viêm nhẹ, có tác dụng hạ sốt rất mạnh, thích hợp dùng hạ sốt cho trẻ bị sốt do mọc răng, sốt phát ban, sốt virut. Efferalgan xanh.
Loại có kết hợp với codein: Loại này vừa có tác dụng hạ sốt, vừa có tác dụng chống đau đầu, thích hợp với người lớn bị sốt do bị nhiễm virut, sốt có kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Efferalgan đỏ.
Loại có kết hợp với chlorpheniramine: Loại này thích hợp với các loại sốt do cúm, do viêm họng, viêm đường hô hấp.
Dùng khi sốt trên 38,5 độ C, nếu có tiền sử giật dùng khi sốt 38 độ C
Liều Paracetamol (acetaminophen) 10-15 mg/kg/lần,
Có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Ibuprofen (dùng khi khó hạ sốt, phối hợp với Paracetamol xen kẽ nhau 2h chú ý trường hợp bé bị xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết da niêm mạc, viêm gan B, C, suy gan đều cần chỉ định của bác sĩ)
Ibuprofen ( liều 8-10mg/Kg cân nặng)
Chú ý:
- Khi trẻ sốt cao khó hạ
- Sốt kéo dài liên tục >3 ngày cần gọi bác sĩ.
Ngoài việc uống thuốc bố mẹ có thể kết hợp chườm ấm trán, nách, bẹn. Cởi lỏng quần áo, nhiệt độ phòng mát không quá lạnh (không cởi trần con vì gây hạ nhiệt độ đột ngột, không chườm cồn hoặc nước lạnh làm co mạch ngoại vì gây tăng thân nhiệt). Ngoài ra nếu trẻ lớn có thể cho bé uống trà gừng kết hợp với ăn cháo hành, tía tô.
N. Huyền