Bà mẹ trẻ 'nhồi' các loại thuốc tăng sức đề kháng cho cả nhà phòng Covid-19
Vừa biết chồng trở thành F0, bà mẹ trẻ bắt đầu chiến dịch 'nhồi' các loại thuốc như vitamin C, tăng sức đề kháng, vitamin tổng hợp... cho cả nhà.
Một phần nhỏ trong túi thuốc nhà chị Hương được dược sĩ bán thuốc tư vấn mua để uống dự phòng, hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà |
Trước số ca mắc ngày càng gia tăng, F0 ào ào đi mua không chỉ nước muối, xịt họng, siro ho mà các loại tăng đề kháng, kẽm và vitamin C cũng được săn lùng.
Chị Hương (28 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Chồng chị mắc Covid-19 ngày 6/3, ngay lập tức chị ra hàng thuốc gần nhà mua sẵn không chỉ cho chồng chị mà mua luôn cho 4 thành viên cả nhà.
“Dù tôi nói chỉ cần nước muối, siro ho, hạ sốt, điện giải…nhưng chủ quầy thuốc là dược sĩ vẫn nhiệt tình tư vấn cần bổ sung thêm vitamin C, kẽm, thực phẩm tăng sức đề kháng, thuốc bổ.
Chị bảo, thuốc lên giá từng ngày. Mua trước còn được giá tốt. Mai mốt ca mắc nhiều có khi không có hàng mà mua. Trong khi bị dịch này thường chán ăn, nên cần bổ sung thuốc bổ, muốn khoẻ nhanh thì bổ sung thêm kẽm, vitamin C… Chưa kể, bây giờ ba mẹ con cũng phải uống ngay những thuốc này để tăng cường sức khoẻ nếu có mắc cũng nhẹ nhàng hơn. Nghe chị ấy nói có lý, tôi đành móc túi hơn 4 triệu tiền thuốc. Về nhà cấp tập cho cả nhà uống đủ các loại. Nhưng chỉ hai ngày sau, lần lượt các thành viên còn lại trong nhà cũng nảy vạch…”, chị Hương cho hay.
Vậy việc bổ sung cấp tập các loại thuốc như vậy có tác dụng thực sự?
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết việc uống các loại thuốc bổ, vitamin C, vitamin tổng hợp là giúp cơ thể đỡ mệt chứ không phải diệt virus.
"Dù vậy, điều cần lưu ý là không phải đến lúc mắc bệnh chúng ta mới cần chú ý đến việc nâng cao sức đề kháng, bồi bổ cơ thể. Ngay từ bây giờ khi chưa mắc, chúng ta cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, chứ không phải đợi đến lúc đã mắc mới nghĩ đến chuyện ăn uống dồn dập, uống đủ loại thuốc bổ mong cơ thể nhanh chóng khỏe", TS Thanh nói.
Theo chuyên gia, khi đã mắc Covid-19, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, sát khuẩn tại chỗ. Việc này còn tốt hơn là uống các loại vitamin tổng hợp, vitamin C vì có uống vào cũng không thể có tác dụng ngay lập tức.
Đặc biệt việc bổ sung quá nhiều dẫn đến thừa vitamin C cũng có thể dẫn tới nhiều tác hại. Nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày - tá tràng, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận, gây bệnh gút, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12 và có thể gây ra hiện tượng ức chế ngược nếu ngừng đột ngột. Thậm chí nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận...
Test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt để có kết quả chuẩn?
Nhiều người cho rằng test nước bọt không chính xác và lấy dịch ở tị hầu mới có kết quả chuẩn. Thực hư thông tin này ra sao, test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt?
Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng), thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết thứ nhất dùng quá nhiều loại thuốc không tác dụng để phòng lây nhiễm. Khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng chống lây nhiễm tốt.
"Chúng ta cần hiểu tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp nhiều yếu tố khác như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày", BS Hoàng nói.
Thứ hai là thuốc bổ không làm thay đổi lộ trình của bệnh. Một điều cần lưu ý là vitamin C không tăng cường sức đề kháng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, vitamin D liều cao có thể giúp người bệnh Covid-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.
Bên cạnh đó, cái gì nhiều quá đều không tốt, dù là thuốc bổ, là vitamin. Bởi theo BS Hoàng khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con thì có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm.
"Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt. Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả", BS Hoàn nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, người mắc Covid-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp:
- Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.
- Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm.
- Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.
- Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Ngoài ra, F0 cũng cần tập một số bài tập thở, vận động gồm: các bài tập thở, vận động tại giường, bài tập giãn cơ, bài tập thể lực tăng sức bền.
N. Huyền
Khỏi Covid-19 vẫn ho như cuốc kêu, bác sĩ chỉ cách xử lý
Nhiều bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, âm tính một hoặc nhiều tuần nhưng tình trạng ho vẫn không dứt.
Nhà thuốc tự kê Molnupiravir, 4 điều kiện để F0 mua được thuốc kháng virus
Để mua được thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir thì người bệnh phải có giấy tờ chứng minh mình là người F0, nếu thiếu 1 trong 4 điều kiện này nhà thuốc sẽ không bán.
Hậu Covid-19, chị em than trời mất ngày 'đèn đỏ', rối loạn kéo dài cả tháng
Covid-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn thân và cũng làm nhiều chị em đau đầu khi ngày 'đèn đỏ' mất tịt hoặc rối loạn kinh nguyệt kéo dài, ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính họ.