Test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt để có kết quả chuẩn?
Nhiều người cho rằng test nước bọt không chính xác và lấy dịch ở tị hầu mới có kết quả chuẩn. Thực hư thông tin này ra sao, test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt?
Chị Nguyễn Lê D. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết cả nhà chị đều dương tính nhưng riêng bé Bun – 4 tuổi dù có dấu hiệu sổ mũi, hơi nóng nóng nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính. Chị D. lo ngại không chăm sóc bé sát sao sẽ hậu Covid-19. Cuối cùng, bà mẹ này đành gọi dịch vụ PCR về nhà lấy mẫu cho bé.
Kết quả, xét nghiệm của bé Bun dương tính nhưng chỉ số CT là 31.4. Đây là chỉ số thấp, không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Thậm chí, chỉ số này chị D. cố lấy mẫu bằng test nhanh cũng không đủ virus để lên dương tính hai vạch.
Rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ có triệu chứng của Covid-19 nhưng xét nghiệm không lên dương tính. Các bà mẹ này lo lắng con bị hậu Covid-19 nên cố test cho tới khi lên hai vạch. Thậm chí đổi các loại test từ nước bọt tới dịch mũi, ngậm.
Trẻ bị Covid-19 cho uống kháng sinh, thuốc kháng virus là 'bắn tên không đích'
Nhiều trường hợp trẻ nhiễm Covid-19, sợ biến chứng, hậu Covid-19, cha mẹ vội vàng cho con sử dụng kháng sinh, thậm chí cả thuốc kháng virus.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Cố vấn chuyên môn khối truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM trẻ nhỏ 3 tuổi, không có yếu tố nguy cơ hay triệu chứng thì không cần test Covid-19.
Ngay kể cả trong gia đình mọi người đều là F0, chúng ta nghi ngờ bé mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng thì cũng không cần xét nghiệm cho trẻ. Thực tế, nếu trẻ có triệu chứng nào điều trị theo triệu chứng đó chứ không điều trị theo kết quả xét nghiệm dương hay âm.
Ảnh minh hoạ. |
BS Khanh cho biết ở trẻ nhỏ, cha mẹ không nên lạm dụng quá mức. Bởi đây là xét nghiệm khá “thô bạo” với trẻ. Khi cần, chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem tình huống của con mình có cần thiết phải test không.
Có trường hợp test trẻ khóc dẫn tới chảy máu mũi và việc này còn nguy hiểm hơn có thể gây viêm mũi, áp xe vùng mũi cho trẻ.
Có thể sử dụng test nước bọt cho trẻ. Test nước bọt cũng có kết quả đúng nếu lấy đúng dịch. Dịch xét nghiệm Covid-19 nên lấy ở vùng gầm lưỡi vì các nghiên cứu cho thấy vùng gầm lưỡi virus nhiều hơn thậm chí còn nhiều hơn cả ở vùng mũi, tị hầu.
Đặc biệt là biến chủng Omicron thì virus nằm ở gầm lưỡi nhiều hơn trên mũi. Nếu test nước bọt kết quả dương tính xem như xét nghiệm có giá trị. Trường hợp test nước bọt âm tính thì chưa chắc đã âm tính vẫn theo dõi trẻ theo triệu chứng. Không cần test lại đường mũi. Cố gắng lấy mẫu đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lấy dịch xét nghiệm ở vùng mũi, BS Khanh lưu ý có thể lấy dịch sổ mũi từ mũi ra. Nhưng nếu trẻ khóc thì không lấy dịch ở mũi chảy ra vì dịch đó có thể ảnh hưởng tới kết quả do lẫn nhiều nước mắt, nước mũi.
Không riêng gì trẻ em, người lớn cũng tương tự dù test nước bọt hay test ngoáy tị hầu ở mũi thì vẫn phải lấy đúng vị trí có virus, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có nhiều trường hợp xét nghiệm chỉ đưa que lấy dịch vào qua lỗ mũi như vậy chưa thể đi vào ổ của virus nên kết quả không chính xác.
BS Huynh Wynn Tran – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho biết người lớn hay trẻ nhỏ khi có triệu chứng ho, đau họng, sổ mũi, sốt nhẹ nhưng test âm tính cũng là điều dễ hiểu vì test nhanh kháng nguyên là tìm ra 1 phần vỏ thông tin, mảnh protein của virus nếu mật độ virus thấp thì sẽ cho kết quả âm tính. Theo thời gian lượng virus SARS-CoV-2 sẽ nhân đôi, sinh sôi tăng mật độ lên thì 1, 2 hôm sau bạn xét nghiệm lại có thể sẽ cho kết quả dương tính.
BS Wynn cho biết hiện nay biến thể Omicron, virus thường tập trung ở nước bọt nhiều hơn ở phần tị hầu mũi. Vì vậy, có thể kết hợp xét nghiệm dịch ở họng và nước bọt. Khi lấy mẫu dùng test tị hầu hay test nước bọt thì vị trí lấy mẫu, chúng ta dò đủ "ổ" của virus thì test nhanh vẫn có độ nhạy chứ không riêng gì PCR, dịch họng hay dịch mũi.
Lưu ý, test Covid-19 tại nhà, phải lấy đúng chỗ, phải đủ dịch. Khi nhỏ dung dịch vào thẻ, nên để thẻ xét nghiệm nằm ngang trên mặt phẳng, không nên cầm lên cầm xuống. Nếu cầm lên sớm quá, dịch không thấm đúng và nhòe ra, lúc đó đọc kết quả dễ bị sai. Đọc kết quả sau 15 – 20 phút theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khánh Chi
Nhà thuốc tự kê Molnupiravir, 4 điều kiện để F0 mua được thuốc kháng virus
Để mua được thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir thì người bệnh phải có giấy tờ chứng minh mình là người F0, nếu thiếu 1 trong 4 điều kiện này nhà thuốc sẽ không bán.
Hậu Covid-19, chị em than trời mất ngày 'đèn đỏ', rối loạn kéo dài cả tháng
Covid-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn thân và cũng làm nhiều chị em đau đầu khi ngày 'đèn đỏ' mất tịt hoặc rối loạn kinh nguyệt kéo dài, ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính họ.
Xung quanh quá nhiều 'người dương', lương y bày cách chăm sóc sức khoẻ chủ động cho F0, F1
Trong những ngày gần đây, số mắc Covid-19 mới trong cả nước đã lên đến hàng trăm nghìn ca mỗi ngày, điều này khiến nhiều người có tâm lý lo lắng nhưng cũng không ít người chủ quan tặc lưỡi quan niệm “rồi ai cũng bị cả thôi”