Khỏi Covid-19 vẫn ho như cuốc kêu, bác sĩ chỉ cách xử lý
Nhiều bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, âm tính một hoặc nhiều tuần nhưng tình trạng ho vẫn không dứt.
Chị Nguyễn Minh Khanh – Cầu Giấy, Hà Nội than thở chị đã khỏi Covid-19 được 2 tuần nhưng vẫn ho khan kéo dài. Tình trạng ho khiến chị Khanh mất ngủ. Nói về quá trình nhiễm Covid-19, chị Khanh cho biết chị lây từ đồng nghiệp sau đó về sốt, đau họng tự theo dõi ở nhà. Tới ngày thứ 5 thì hết sốt nhưng chuyển sang ho. Ho kéo dài kèm theo đờm. Mỗi lần thở mạnh hoặc nói nhiều là cơn ho dồn lên.
Trong quá trình điều trị Covid-19, chị Khanh được bác sĩ kê thuốc ho Codein nhưng sau đó vẫn có ho kích ứng. Dù đã khỏi Covid-19 nhưng mỗi lần ho chị Khanh cảm nhận "nổ đom đóm mắt". Chị ho khiến mất ngủ và ngay cả gia đình cũng lo lắng.
Ho dai dẳng được xem như triệu chứng cơ bản của Covid-19, nó có thể kèm theo sốt, mất khứu giác và vị giác, mặc dù chỉ có 4/10 bệnh nhân phải chịu đựng cơn ho dai dẳng này, nhưng nó sẽ gây sự rất khó chịu cho bệnh nhân .
Ho dai dẳng , tức là ho nhiều lần trong ngày, nửa ngày hoặc hơn nữa, thường là ho khan, trừ khi bạn mắc bệnh phổi tiềm ẩn thì sẽ ho ra chất nhầy hoặc đờm.
Ảnh minh hoạ. |
Theo BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, với bệnh nhân ho ít, có thể hết sau vài ngày, không cần dùng thuốc. Trường hợp ho nhiều, gây phù nề đường hô hấp trên, mệt và mất ngủ, thì 3 ngày đầu có thể dùng Terpin Codein. Hoặc người bệnh có thể sử dụng thuốc ho thông thường cũng hiệu quả.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban Ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, triệu chứng ho gặp ở hầu hết bệnh nhân Covid-19. BS Vũ cho rằng người bệnh không nên quá lo lắng về triệu chứng ho.
Thông thường, nhiễm Covid-19 triệu chứng đau rát họng, ho nhiều, sốt nhưng đáp ứng thuốc hạ sốt, 1-2 ngày hết sốt, chỉ số SpO2 trên 95 %, người bệnh vẫn ăn uống tốt thì không đáng lo.
Ho là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây viêm hô hấp, ho cũng có tác dụng tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Nhưng trường hợp ho nhiều khiến người bệnh mệt, ăn không ngon, mất ngủ thì cần hỗ trợ trị ho.
Tuỳ vào từng kiểu ho để có cách ứng phó với cơn ho. Ví dụ bạn bị ho khan, ho có đờm nhưng đờm dính trong đường thở cách xử lý sẽ khác.
Nếu người bệnh ho khan thì sử dụng thuốc trị ho. Ho đờm nên dùng các loại thuốc long đờm để tống thải đờm ra ngoài. Có những trường hợp đờm vàng, đờm đặc có thể là trường hợp bội nhiễm nên liên hệ bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.
Một số trường hợp có thể là ho kích ứng, ho do hen suyễn, ho do trào ngược thực quản hoặc do tác dụng phụ của thuốc…Bạn nên theo dõi thêm và hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị. Trường hợp ho lâu ngày kèm theo sụt giảm SpO2, nhịp tim nhanh, khó thở nên liên hệ trạm y tế phường.
Hàng ngày, F0 nên súc họng với nước muối sinh lý hoặc nước muối ấm để làm sạch đường hô hấp trên. Việc súc miệng cũng làm giảm cảm giác đau rát họng. Bạn có thể ngậm thuốc trị ho.
BS Vũ cũng cho biết thêm các bài thuốc trị ho long đờm bạn có thể sử dụng tại nhà rất dễ làm như dùng mật ong: Mật ong kết hợp với gừng, sả, chanh... có thể làm giảm cơn ho hữu hiệu. Lưu ý, uống từng ngụm khi nước còn ấm, uống nhâm nhi ngày 2 lần sáng và tối.
Sử dụng trà từ quả la hán giúp trị ho, tiêu đờm và trị bệnh viêm họng rất tốt.
Ngoài ra, có thể dùng quả lê hấp đường phèn cũng có tác dụng giảm ho. Có thể lấy quả lê thái hạt lựu hấp cách thuỷ với đường phen trong 20 phút, ăn ngày hai lần.
Trong dân gian, người dân vẫn sử dụng hoa hồng bạch chưng đường phèn hay quất để trị ho cũng có tác dụng trong trường hợp bạn bị Covid-19 – BS Vũ gợi ý.
Trường hợp sử dụng thuốc giảm ho, giảm kích ứng, giảm viêm, người bệnh nên liên hệ bác sĩ nhờ hỗ trợ, không nên tự uống thuốc để tránh tình trạng triệu chứng kéo dài hơn.
Lưu ý, khi đi ngủ bạn nên gối cao đầu hơn để tránh tình trạng dịch nhày gây kích ứng ho hoặc giảm trào ngược axit dạ dày.
Khánh Chi