Bụng to, chân tay teo vì cứ ngạt mũi là xịt 'thuốc tiên'
Mỗi lần ngạt mũi khó chịu cô gái trẻ lại lấy lọ thuốc xịt mũi ra xịt, chỉ tới khi bụng to, chân teo lại, mệt mỏi bệnh nhân mới đi khám bác sĩ.
Ngày 7/9, TS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông tiếp nhận một bệnh nhân đến khám vì mệt mỏi, bụng béo, chân tay teo.
Bệnh nhân là cô gái 23 tuổi sống ở Hà Nội đến khám vì thấy mặt tròn và mệt. Khi khám trực tiếp bác sĩ Bảy thấy bệnh nhân có biểu hiện mặt tròn, bụng to, chân tay teo, cao 1 m50, nặng 57kg... đặc biệt thấy bụng và đùi có rất nhiều vết rạn da màu đỏ là những dấu hiệu điển hình của Hội chứng Cushing do dùng thuốc Glucocorticoid kéo dài.
Hỏi kỹ thì được biết cô gái bị ngạt mũi vài năm và thường xuyên phải dùng thuốc xịt mũi. Bệnh nhân kể là cứ ngạt mũi là xịt, trung bình xịt ngày 3-4 lần. Kiểm tra, các bác sỹ phát hiện thuốc bệnh nhân sử dụng có thành phần Dexamethasone là loại corticoid rất mạnh.
BS Bảy cho biết nếu dùng kéo dài loại thuốc này dễ gây ra nhiều biến chứng như suy thượng thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày, rối loạn tâm thần... nhưng với bệnh nhân này thì thuốc còn có thể là nguyên nhân gây lùn và lão hóa sớm.
Sau khi nghe bác sĩ phân tích, mẹ của bệnh nhân cho biết bà cũng thường xuyên dùng loại thuốc xịt mũi này. Qua khám sơ bộ, người mẹ của bệnh nhân cũng có các dấu hiệu của Hội chứng Cushing như người béo, mặt tròn, và chân tay teo.
Bác sĩ Bảy cho biết hầu như tuần nào ông cũng gặp 2-3 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám. Trong đó có tới 70 % người bệnh đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, hay phù, tăng cân...
Có những người đã đi qua nhiều phòng khám trong thời gian dài mà không có chẩn đoán chính xác. Nhưng các bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán qua “xem mặt mà bắt hình dong” vì người bệnh lạm dụng thuốc Corticoid thường có những thay đổi hình dáng bên ngoài rất điển hình.
Hình ảnh chân của bệnh nhân do tổn thương từ lạm dụng thuốc. |
Theo bác sĩ Bảy hiện nay các thuốc Glucocorticoid tổng hợp như Prednisolone, Methylprednisolone, Dexamethasone... được sử dụng rất rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh như dị ứng, viêm khớp, hen phế quản, ghép tạng và cả để điều trị Covid-19... nhưng phải sử dụng đúng liều, đúng thời gian và phải thường xuyên kiểm tra xem có bị các tác dụng phụ hay không.
Do thuốc Glucocorticoid có tác dụng mạnh và nhanh nên hiện có sự lạm dụng các thuốc này, ước tính có khoảng 1% dân số Mỹ sử dụng thường xuyên các thuốc này.
Ở Việt Nam, tình trạng lạm dụng thuốc Glucocorticoid rất phổ biến, khi ai cũng có thể tự mua được các thuốc chứa corticoid, theo đơn hoặc theo mách bảo của người khác.
Bệnh nhân dùng để điều trị đủ các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gút, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống, và tiêm.
Khi bệnh đỡ thì họ ngừng và khi triệu chứng bệnh xuất hiện thì họ lại dùng tiếp, nhưng theo thời gian bệnh đáp ứng với thuốc này kém hơn nên họ sẽ phải dùng liều cao hơn và trong thời gian dài hơn.
Hậu quả họ sẽ bị các tác dụng phụ nguy hiểm như gây ra đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương, gãy xương, xuất huyết dưới da, hoại tử chỏm xương đùi, hạ kali máu, dễ bị nhiễm trùng, các vết loét lâu liền... thậm chí là rối loạn tâm thần.
Đặc biệt, theo bác sĩ Bảy, gần đây các thuốc corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đông y” chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc “đông y” là lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ, và sau 1 thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn.
Những người này có đặc điểm chung là biến đổi về hình thể kiểm mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo (hình ảnh 4 que tăm cắm vào củ khoai), da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ....
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy thượng thận cấp, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp, và đã có trường hợp bị tử vong.
Khánh Chi