Vi phạm nồng độ cồn còn chống đối CSGT làm nhiệm vụ là tội chồng tội
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip người phụ nữ đi có chồng vi phạm nồng độ cồn, bị CSGT dừng xe xử lý, chị này đã lớn tiếng xúc phạm CSGT. Vụ việc gây xôn xao dư luận xã hội.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho cho biết: “Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ thì mức xử phạt là phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Ngoài ra, đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì biện pháp khắc phục hậu quả mà người vi phạm phải thực hiện đó là buộc xin lỗi công khai.
Như vậy, trong trường hợp người phụ nữ có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nếu đúng là có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với các chiến sĩ CSGT thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Từ hành vi nêu trên, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo: “Tất cả chúng ta khi tham gia giao thông đường bộ nếu có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì cần có thái độ bình tĩnh, hợp tác với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để giải quyết nhanh chóng, tránh trường hợp gây mất trật tự công cộng, cản trở giao thông trên đường.
Việc không hợp tác này, không chỉ cản trở người đi đường, ngăn cản lực lượng chức năng mà còn ảnh hưởng đến chính bản thân người không hợp tác. Nếu nhẹ thì người vi phạm bị phạt hành chính còn nặng hơn, người vi phạm có thể bị khởi tố hình sự với hành vi của mình.
Chính vì vậy, tất cả người dân khi tham gia giao thông tuyệt đối không nên có các hành vi cản trở, chống đối lực lượng chức năng, tránh trường hợp chỉ vì nguyên nhân vi phạm hành chính mà dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác, có thể dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”.
Luật sư Hoàng Tùng chia sẻ: “Nếu các chiến sĩ CSGT gặp trường hợp người dân vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nên giữ thái độ kiềm chế, bình tĩnh giải thích lỗi vi phạm cho tài xế và người nhà sau đó tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định”
Theo luật sư Hoàng Tùng, hiện nay, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội đầu xuân 2023.
Người dân nên tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như toàn xã hội kể cả những ngày thường và đặc biệt là trong đợt cao điểm để tránh vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo luật sư, người tham gia giao thông tuyệt đối không uống rượu bia rôi điều khiển phương tiện. Trường hợp bị kiểm tra nồng độ cồn mà gặp cảnh sát giao thông thì tốt nhất nên chấp hành. Nếu không chấp hành có thể bị xử lý thêm tội.
Tiến Anh