Kháng kháng sinh: Cái chết được báo trước dù bác sĩ cố gắng hết sức mình
![]() |
PGS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương. |
Những con số đáng báo động
PGS Nguyễn Văn Kính cho biết, từ năm 1930 chúng ta tìm ra kháng sinh và coi đây là vũ khí diệt vi khuẩn. Chỉ vài năm sau đó vi khuẩn liên tục nhờn thuốc và kháng sinh đời mới buộc phải ra đời liên tục.
Tình trạng này đã được báo động trên toàn cầu và tại Việt Nam cũng rất cao. Từ năm 1989 - 2005, Việt Nam có tham gia chương trình đánh giá độ nhạy cảm của kháng sinh và sau này là dự án được Thuỵ Điển tài trợ. Tuy nhiên, sau năm 2009 thì chúng ta không còn nghiên cứu kỹ.
Theo số liệu nghiên cứu ở Việt Nam vào năm 2010, các chủng Streptococcus pneumoniae - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp - kháng penicillin (71.4%) và kháng erythromycin (92.1%).
Vi khuẩn phân lập từ trẻ bị tiêu chẩy có tỉ lệ kháng cao. Đối với hầu hết các trường hợp, bù nước và điện giải là biện pháp xử trí hiệu quả nhất đối với bệnh tiêu chảy, khoảng 1⁄4 số trẻ đã được chỉ định kháng sinh trước khi đưa đến bệnh viện.
Các vi khuẩn gram âm đa số là kháng kháng sinh (enterobacteriaceae): hơn 25% số chủng phân lập tại một bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, theo nghiên cứu năm 2000-2001.
Theo báo cáo của một nghiên cứu khác năm 2009 cho thấy, 42% các chủng vi khuẩn gram âm kháng với ceftazidime, 63% kháng với gentamicin và 74% kháng với acid nalidixic tại cả bệnh viện và trong cộng đồng.
Do tỉ lệ kháng kháng sinh cao, nhiều liệu pháp kháng sinh được khuyến cáo trong các tài liệu hướng dẫn điều trị đã không còn hiệu lực.
Do các bệnh nhiễm khuẩn vẫn là các bệnh phổ biến ở Việt Nam, việc tiếp cận với các kháng sinh có hiệu lực giữ vai trò rất quan trọng. Tỉ lệ kháng kháng sinh gia tăng như hiện nay là mối hiểm họa đối với các liệu pháp điều trị bằng kháng sinh.
Có những bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng kháng sinh và khi bác sĩ cộng nhiều kháng sinh thế hệ mới để cùng tấn công con vi khuẩn nhưng vẫn thất bại. Thất bại trên lâm sàng thì bệnh nhân không thể cứu được nữa dù bác sĩ có cố gắng thế nào.
Những thói quen xấu gây kháng thuốc
PGS Kính cho rằng hiện nay chi phí từ tiền túi người bệnh mua thuốc – bao gồm cả thuốc kháng sinh – trực tiếp, mà không cần các chẩn đoán phù hợp, là rất cao.
Tổng doanh thu từ thuốc gần như tăng gấp ba về giá trị giữa năm 2001-2008, từ 500 triệu đô la Mỹ lên 1400 triệu đô la Mỹ. Hiện tại không có số liệu thống kê riêng cho thuốc kháng sinh, tuy nhiên đây là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất, và thường không hợp lý.
Ngoài ra, tình trạng không kê đơn là phổ biến. Mặc dù đã có qui định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc và các quầy thuốc bán lẻ.
Tự điều trị là tình trạng khá phổ biến, mặc dù tự chẩn đoán thường rất thiếu chính xác. Theo một nghiên cứu cộng đồng năm 2007, 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn. Mua thuốc trực tiếp là hình thức tiết kiệm cả về kinh phí và thời gian so với việc đi khám bác sỹ.
PGS Kính cho biết trong quá trình nghiên cứu và khảo sát, ông trực tiếp đi xuống các nhà thuốc thì thấy có tới 25% thuốc kháng sinh bán ở nhà thuốc và các hãng chi hoa hồng nên có chuyện nhà thuốc hướng người bệnh đổi đơn thuốc không giống như bác sĩ kê.
Hoặc có trường hợp người bán thuốc chỉ là học sinh cấp 3 không có kiến thức về dược nhưng vẫn đứng bán và kê đơn kháng sinh như dược sĩ, bác sĩ thực thụ.