Khẩn trương tăng vốn cho Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank
Nợ xấu có nguy cơ tăng lên khiến mục tiêu tái cơ cấu có thể không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, các NHTM nhà nước cũng đang sốt ruột vì chưa thể hoàn tất thủ tục tăng vốn.
Nhu cầu tăng vốn của Agribank đang rất bức thiết |
Ngân hàng thương mại quốc doanh chờ tăng vốn
Trao đổi với báo chí ngày 22/9, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện NHNN vẫn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các thủ tục thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trong khi đó, cơ chế cho phép các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn như BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn chưa thể ban hành. Mới đây, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước, tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (VietinBank, Vietcombank) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần.
Thống đốc kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cho hay đang xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM giai đoạn 2021-2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng hiện nay. Trong đó, Agribank và VietinBank là 2 ngân hàng có nhu cầu tăng vốn cấp bách nhất để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tạo tiền đề tăng trưởng các năm sau.
Nguy cơ không đạt mục tiêu nợ xấu theo Đề án 1058
Dịch bệnh Covid-19 khiến nợ xấu tăng lên, xử lý nợ xấu chậm lại khiến mục tiêu nợ xấu theo Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 có thể không đạt mục tiêu đề ra.
Theo Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN), do tác động của dịch bệnh, dự kiến một số mục tiêu tại Đề án 1058 khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2020, trong đó có mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu. Tính đến tháng 9/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2%.
Chính vì vậy, NHNN cho biết thời gian tới sẽ tập trung theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai thực hiện công tác chuẩn bị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058, tham mưu xây dựng Đề án giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, NHNN sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại ngân hàng mua bắt buộc, các TCTD yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém để ngăn ngừa rủi ro phát sinh ảnh hưởng đến an ninh, tiền tệ tín dụng.
Với các ngân hàng thương mại, NHNN chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu…
Ngân hàng bán đấu giá nợ xấu: Có sao bán vậy, rủi ro người mua chịu?
Một loạt các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là các lô đất trị giá hàng chục tỷ đồng được các ngân hàng rao bán, nhưng người mua sẽ phải chấp nhận rủi ro (nếu có) theo điều kiện do ngân hàng đưa ra.
Theo baodautu.vn