Khai mạc chương trình Tự hào hàng Việt Nam năm 2016
Ngay từ tháng 9, khi Chương trình bắt đầu khởi động, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã mở nhiều đợt giảm giá, khuyến mại đối với hàng Việt; hơn 2.000 cửa hàng thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cùng 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng treo cờ cổ động cho chương trình tại các đường phố chính. Nhiều hoạt động hội chợ, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn cũng đã diễn ra.
![]() |
Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam- Tự hào hàng Việt Nam năm 2016 |
Đặc biệt, lần đầu tiên thông điệp người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được gửi trực tiếp tới cá nhân nhiều triệu người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại.
Hàng triệu lượt tiếp cận vào trang website và facebook Tự hào hàng Việt Nam 2016; Hàng ngàn sinh viên của các trường đại học trong ngành Công thương đã tham gia các chương trình như sự kiện khai mạc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng ban chỉ đạo chương trình cho biết, chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt; tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế- xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt.
Đồng thời chương trình cũng nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn toàn quốc, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam chân chính; ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để tạo ra sản phẩm Việt Nam chất lượng cao vì người tiêu dùng Việt cũng như hướng đến người tiêu dùng toàn cầu.
Ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng thực tế từ cuộc vận động cho thấy nhu cầu hàng Việt đang rất lớn. Tuy nhiên, để giúp người tiêu dùng nhận diện đúng sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần tiếp tục xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tạo ưu thế cạnh tranh hơn so với hàng ngoại nhập.
Theo Ban tổ chức, nhiều hoạt động truyền thông của Chương trình sẽ được tiếp tục cho tới hết năm 2016.