Kết nối những trái tim với Trường Sa

Những mầm xanh Trường Sa đang âm thầm lớn dậy từ khô cằn, biển mặn, bão dông, có một công sức đóng góp rất lớn của các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học.

Qua những lần trao đổi, Thạc sĩ Hoàng Thị Lệ Hà – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Tỉnh Khánh Hòa, người trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, ứng những thành tựu KHCN ở Huyện Trường Sa đã cho chúng tôi biết thêm về những công việc thầm lặng của họ. Và, trên hết là những trái tim kết nối với Trường Sa…

Bắt đầu từ những chuyến đi đến với Trường Sa

Chuyến hành trình của tàu HQ936 Vùng D Hải quân đưa đoàn công tác các nhà quản lý, nhà khoa học đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, Tỉnh Khánh Hòa.  Xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh, đoàn gồm có 28 thành viên, trong đó có 20 nhà quản lý, nhà khoa học, 8 nhà báo, đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Định và Khánh Hòa. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tổ chức khảo sát tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát. Chuyến đi phải kéo dài hơn dự định, gần một tháng công tác ở Trường Sa đã mang lại nhiều kết quả làm cơ sở vững chắc cho những nhận định, đánh giá và đưa ra những giải pháp phù hợp. Đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu về: khí hậu, chất đất, nước ngọt, chất thải, dịch bệnh, năng lượng, cây trồng, vật nuôi... ở các đảo. Thực tế đời sống của quân và dân trên đảo, xuất hiện lên nhiều vấn đề khó khăn và nhu cầu cấp thiết.

Ở vùng biển quần đảo Trường Sa khí hậu có phần khác biệt với các vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn. Một số hiện tượng thời tiết cũng diễn biến khác với trong đất liền. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Chất lượng không khí đại dương trong lành, độ ẩm cao, nhiệt độ không khí trên vùng biển khá đồng nhất, nhiệt độ trung bình khoảng 28oC. Nước ngọt chủ yếu sử dụng nước mưa và nước được cung cấp từ đất liền ra. Một số đảo nổi như đảo Sinh Tồn có giếng nước nhưng đều là nước lợ, mùa khô bị nhiễm mặn cao, có nơi nước mặn 70% so với nước biển. Động vật tự nhiên trên đảo chỉ một số ít loài chim, nhiều hơn cả là cò và một số loài chim di cư theo mùa. Một số loài vật nuôi được đưa từ trong đất liền ra đảo như: Bò, heo, gà, vịt…. riêng chăn nuôi bò chỉ có ở  Song Tử Tây, Trường Sa lớn. Phương thức chủ yếu là nuôi bán tập trung, quy mô chăn nuôi trên các đảo nổi lớn hơn. Thức ăn chủ yếu từ thức ăn thừa và một phần thức ăn tổng hợp. Con giống chủ yếu được cấp từ đất liền và có sự trao đổi, luân chuyển giữa các đảo với nhau, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm tươi sống cho quân và dân trên đảo.

Qua khảo sát về môi trường cho thấy, chất thải ở các đảo bao gồm nước thải, rác thải, khí thải, chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nước thải từ sinh hoạt được thu gom, một phần dùng để tưới rau, phần còn lại thải trực tiếp xuống đất hoặc ra biển. Nước thải từ vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi chủ yếu sử dụng nước biển thải trực tiếp xuống đất hoặc ra biển. Rác thải trên các đảo nổi được thu gom, trong đó rác thải hữu cơ được xử lý đốt thủ công, một số nơi thải xuống biển, rác thải rắn được gom nhưng chưa có giải pháp xử lý. Chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, phần rắn được thu gom xử lý làm phân bón, còn lại thải ra biển. Chất thải nguy hại gồm acquy, bóng đèn, các loại quạt điện hỏng… chưa có giải pháp xử lý triệt để. Nhà vệ sinh trên các đảo nổi sử dụng nhà vệ sinh tự hoại 2 hoặc 3 ngăn, trên các đảo chìm chủ yếu là nhà vệ sinh tự hoại 2 ngăn, sử dụng chủ yếu bằng nước biển. Về lâu dài cần có những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá khả năng và mức độ phân hủy của các chủng vi sinh vật trong nước biển. Nguồn dịch bệnh: Ruồi, muỗi, gián, chuột… phát sinh một số đảo tương đối nhiều, nguyên nhân chính là do chăn thả gia súc, gia cầm, một phần do cảnh quan chưa thông thoáng.

Những ngày làm việc ở Trường Sa giữa cái nắng chát tháng tư thật vất vả nhưng không kém phần thú vị. Mọi sinh hoạt đều theo nếp sống ở đảo, ban ngày các nhóm được phân công đi nghiên cứu, tìm hiểu, gặp gỡ cán bộ chiến sĩ và người dân, tối về trao đổi, bàn bạc. Mọi người đã bắt đầu quen dần với cái nắng, gió Trường Sa, bữa cơm đầm ấm và cả nụ cười hiền rất thân, rất riêng của lính. Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là các bãi cát san hô, thường có một phần nhỏ nổi cao trên mặt nước, bao quanh phần nổi là hành lang bãi cạn dài từ vài trăm mét đến hàng nghìn mét, độ sâu hành lang vào khoảng 2-5m. Ra khỏi hành lang có độ sâu từ vài mét đến hàng nghìn mét. Chất đất là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim lẫn mùn cây có bề dày từ 5 đến 10cm. Ở các đảo nổi, nền đất được hình thành từ cát san hô, khả năng giữ nước kém, quá trình phân hóa chậm. Hệ động, thực vật trên đảo không đa dạng. Ngoài cây phong ba, bão táp, bàng vuông là những cây sinh trưởng lâu đời, còn lại đa số các loài cây đem từ đất liền ra như: dừa, chuối, đu đủ, phi lao, bàng, nhàu, tra và một số loại rau… có khả năng thích ứng tương đối tốt. Sóng, gió và hơi mặn quanh năm tưởng như không có loài thực vật nào có thể tồn tại, nhưng với ý chí và nghị lực, quân và dân trên đảo đã có nhiều sáng kiến đưa các loại vật nuôi, cây trồng từ đất liền ra đảo. Ý thức được tầm quan trọng của món rau xanh không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, bộ đội đã chủ động mang đất mùn từ đất liền ra, tận dụng tối đa diện tích để làm mới và nâng cấp hệ thống vườn, chậu, hộp rau. Những nỗ lực của họ đã tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ dồi dào, góp một phần bảo đảm nhu cầu lương thực thường xuyên của bộ đội.

Trường Sa hiện là khu vực rất đa dạng về hệ sinh thái biển, ngoài các thảm san hô, rong biển cùng nhiều hệ thực vật quý, nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều loài sinh vật biển có giá trị kinh tế cao như: Cá hồng, cá chim trắng, cá ngừ, cá chẽm, hải sâm, bạch tuộc, bào ngư … Đặc biệt, tại đảo Đá Tây, nhờ một quần thể san hô tôn tạo thành một bờ đá, bên trong là một “lòng hồ” rộng hàng chục hải lý. Mặc dù bờ đá san hô này chưa đủ nổi lên mặt nước, nhưng nhờ nó đã làm giảm sóng cấp 8, cấp 9 bên ngoài xuống còn cấp 5, cấp 6 bên trong. Nhờ “lòng hồ” giữa biển khơi này mà khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết xấu, hàng trăm tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân không kịp vào đất liền sẽ vào khu vực này tránh trú, hạn chế thiệt hại. Hiện tại, hầu hết các đảo chưa có chủ trương nuôi trồng thủy sản. Riêng đảo Đá Tây, theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT có dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi cá lồng tại lòng hồ, chủ yếu nuôi một số giống cá chẽm, chim trắng phát triển tương đối tốt. Các đảo đều có thể trồng rong nho trong bể composite để thay thế một phần rau xanh cho quân và dân trên các đảo.  

Trăn trở của các nhà quản lý, nhà khoa học

Một tháng sống và làm việc không phải là dài, nhưng đã cho các nhà quản lý, nhà khoa học cái nhìn thực tế hơn về các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với đời sống Trường Sa. Những khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn về môi trường, nguồn nước, năng lượng, cây trồng vật nuôi,  chất thải chăn nuôi, rác sinh hoạt, bếp ăn và nhà vệ sinh…luôn là câu hỏi thường trực trong suốt chuyến khảo sát. Trăn trở lớn nhất của các nhà quản lý, các nhà khoa học, đó là phải làm sao để áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường và thực tế cuộc sống của quân và dân trên các đảo. Trong đó cần ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi, xử lý môi trường, với các giải pháp cụ thể:

Về ô nhiễm môi trường, để xử lý chất thải chăn nuôi, trước mắt cần sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý giảm thiểu mùi hôi, côn trùng phát sinh và xử lý thành phân bón tại các khu vực chăn nuôi tập trung hoặc bán tập trung. Về lâu dài, liên kết các Viện, Trường nghiên cứu sử dụng công nghệ biogas đối với khu chăn nuôi tập trung để tận thu năng lượng và đảm bảo môi trường sống. Xử lý rác sinh hoạt, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, rau xanh. Thu gom chất thải nguy hại và đưa vào đất liền xử lý. Giải quyết nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nước tưới, sử dụng các túi trữ nước bằng nhựa HDPE (1-3m3), có thể dùng từ 5-10 năm, phù hợp tình hình thực tế một số đảo để tăng khả năng lưu trữ nước mưa (đặc biệt đối với các đảo chìm). Cung cấp máy lọc nước dùng cho ăn uống có công suất phù hợp với quy mô từng đảo. Nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thiết bị lọc nước nhiễm mặn thành nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới cây cung cấp cho các đảo có giếng nhiễm mặn. Các bếp ăn cần tiếp tục cải tiến, đầu tư các thiết bị, dụng cụ chuẩn bị nấu… phù hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh, tránh côn trùng phát sinh.

Vấn đề cây trồng, rau xanh, cần có kế hoạch cung cấp bổ sung các loại hạt giống, giá để đất trồng, các loại phân bón lá, phân vi sinh và phân bón hòa tan. Nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống che chắn gió bằng những tấm composite có thể tháo, ráp linh hoạt để tiện lợi trong việc sử dụng. Đưa ra đảo trồng thử nghiệm một số giống rau, cây ăn quả có khả năng chịu hạn, chịu mặn đã được trồng trên đất liền. Thử nghiệm trồng cỏ vetiver đối với vùng đất chưa xây dựng các công trình, cây đậu phộng dại hoa vàng để tạo cảnh quan, cải tạo đất, tăng độ ẩm cho đất, chống xói mòn. Nghiên cứu, thử nghiệm trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại các đảo chìm và đảo nổi cấp 2, 3 để chủ động nguồn rau xanh quanh năm. Về lâu dài, cần nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm triển khai mô hình trồng rau theo hướng khép kín với hệ thống che chắn cơ động, tưới phân bón hòa tan tuần hoàn, tiết kiệm nước để đảm bảo nguồn rau xanh chất lượng tốt, an toàn.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các đảo nổi nên tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung với qui mô hợp lý nhằm cung cấp nguồn thực phẩm tươi cho quân và dân trên đảo. Liên kết các Viện, Trường, Trại chăn nuôi tiếp tục thử nghiệm các chủng vật nuôi phù hợp, thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết của các đảo. Vật nuôi trước khi chuyển ra phải được kiểm soát dịch bệnh. Triển khai trồng rong nho trong bể composite tại các đảo nhằm thay thế một phần rau xanh. Trong đó, đảo Trường Sa Lớn sẽ phát triển thành trung tâm nuôi trồng và cung cấp giống rong nho. Đảo Đá Tây phát triển dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nuôi thương phẩm một số loài cá có giá trị kinh tế như chim vây dài, chim vây ngắn. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá cần đầu tư thêm một số thiết bị máy móc như máy khoan, tiện, hàn… để kịp thời sửa chữa tàu thuyền để thực hiện tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Một số đảo có thể khai thác hợp lý nguồn rong sụn phát triển tự nhiên ở khu vực quanh đảo làm thực phẩm.

Những tín hiệu vui từ Trường Sa, thay cho lời kết.

Chiều muộn trên phố biển, đã hết giờ làm việc từ lâu, câu chuyện của chúng tôi thường bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ Trường Sa Đông. Chị Lệ Hà thông báo những tin vui về những chú vịt đầu tiên ấp nở thành công từ máy ấp trứng của Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh mới gửi ra, về cây quất đã trổ những mầm lá xanh non, về những luống rau, mầm cải… và cả những nỗi niềm buồn vui của lính. Chị luôn dành một thời gian nhất định, có khi là cả lúc nghỉ ngơi ở nhà để trao đổi qua điện thoại với anh em, khi là hạt giống, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng. Sau những chuyến đi đến với Trường Sa, điều làm chị luôn trăn trở là làm sao vận động được nhiều sự đóng góp đối với Trường Sa.

Như một sợi dây kết nối các cơ quan trung ương, sở ban ngành trong và ngoài tỉnh, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp với Trường Sa. Là người thấu hiểu sâu sắc thực tế cuộc sống ở ngoài đảo đang cần những gì, do vậy chị luôn tâm niệm từ ý tưởng đề tài, triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học, hàng hóa gửi ra Trường Sa phải thật phù hợp và thiết thực. Sau chuyến đi Trường Sa, Sở KHCN Khánh Hòa đã báo cáo đề xuất UBND Tỉnh kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội huyện Trường Sa năm 2014. Hàng loạt các công việc được triển khai, từ nguồn ngân sách của Tỉnh đã tiến hành mua giống cây trồng, vật nuôi gửi ra các đảo; đóng bàn ghế phòng họp cho các đảo chìm. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu hỗ trợ cho Trường Sa. Trong đó, nổi bật là chuyển giao kết quả của đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân và dân huyện Trường Sa”... đến một số đảo chìm và đảo nổi. Về giống cây trồng, vật nuôi, Sở đã chọn lọc mua những giống heo, hạt giống rau, các loại cây như cây dây leo, bầu bí, cúc vạn thọ, cúc lá dày, hướng dương là những giống cây, con bước đầu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Trường Sa. Với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, từ những chuyến công tác Đà Lạt mọi người dành thời gian tìm hiểu, sưu tầm các loại hạt giống hoa có sức chịu đựng ở những điều kiện khắc nghiệt trên đảo.

Gần đây nhất, một công ty vịt biển ở Hà Nội đã đồng ý cung cấp một số con giống cho các Trường sa. Sở KHCN đã báo cáo Bộ KHCN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ cho việc xử lý ô nhiễm môi trường  ở Trường Sa. Trước mắt cung cấp cho các đảo những chế phẩm sinh học để ủ rác thải thành phân bón hữu cơ. Như một lẽ tự nhiên từ tấm lòng thương lính, yêu Trường Sa, trái tim nhà khoa học đã kết nối những trái tim hướng về biển đảo. Tôi bị cuốn theo những câu chuyện về cuộc sống ở đảo, những dòng tin nhắn sẻ chia và những bức hình ngoài ấy mới gửi về cho Chị. Xúc động trước tâm sự của chị mong muốn chung tay xây dựng một mô hình bếp ăn cho các đảo với các trang thiết bị tiện dụng, hiện đại, chịu đựng được trong môi trường có độ mặn cao, mong ước đó thật giản dị, gần gũi, bao dung.

Khi tôi kết thúc những dòng này, cũng là lúc nhận được một tin vui mới, lính đảo Trường Sa Đông báo về, từ những hạt giống hoa chị Hà chuyển ra ngày nào, cây mào gà xanh mát mắt đã bắt đầu trổ nụ. Bất chợt lòng dâng lên dòng cảm xúc Trường Sa – nơi Tổ quốc thật gần, bởi điều giản dị, nơi ấy, những mầm xanh đang vươn mình lớn dậy như minh chứng cho một sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.

Nguyễn Xuân Tình

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !