Huế: Sản lượng đánh bắt giảm, tàu cá dịch vụ nỗ lực hoạt động duy trì việc làm cho hơn 500 lao động
Các tàu dịch vụ nghề cá vượt trên 130 hải lý để cung cấp dầu, nước uống, đồng thời thu mua hải sản đưa vào bờ tiêu thụ. Tuy nhiên, đầu năm sản lượng khai thác giảm, 50 tàu chỉ hoạt động để duy trì việc làm cho hơn 500 lao động.
Đội tàu dịch vụ nghề cá làm lễ xuất quân đi biển đầu năm 2022. |
Sau khi làm lễ xuất quân đi đánh bắt vụ cá Nam, hàng chục chiếc tàu công suất lớn của Chi hội dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) bắt đầu vươn khơi cách bờ trên 100 hải lý để cung cấp xăng dầu, thức ăn, nước uống cùng các vật dụng thiết yếu cho các tàu cá đang hoạt động trên biển. Đồng thời, tranh thủ thời gian đi lại trên biển dài ngày để thu mua số lượng lớn hải sản đưa vào bờ tiêu thụ.
Ghi nhận của PV Infonet tại khu neo đậu ở phường Thuận An (TP Huế) và xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho thấy, có rất nhiều tàu đang neo đậu nhưng phần lớn là tàu giã cào (tàu lưới kéo), riêng các tàu dịch vụ nghề cá đã vươn khơi, vắng bóng ở khu vực neo đậu.
“Chúng tôi chỉ đi đánh bắt, câu mực gần bờ do đầu năm hải sản ít trong khi xăng dầu tăng mà chi phí đầu tư mỗi chuyến đi xa bờ thì nhiều”, chủ tàu cá mang số hiệu TTH-90379TS đang bán hải sản cho thương lái tại cảng cá Thuận An (TP Huế) cho biết.
Anh Trần Cường (Hội viên Chi hội dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An) đang đi thu mua hải sản trên vùng biển xa bờ thông tin qua điện thoại cho PV biết, tàu có 9 anh em cùng đi làm, ra khơi được 12 ngày và dự kiến thứ 2 (28/3) vào đến bờ nhưng chỉ mới thu mau được 9 tạ hải sản.
“Tàu mình công suất lớn và không phải chở ngư cụ nên khi vào có thể chở trên 30 tấn hải sản; nhưng nay ít hải sản lắm, đi thu mua để anh em có việc làm”, anh Cường nói.
Tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ trên biển. |
Ngư dân thu lưới và làm việc trên vùng biển xa bờ. |
Tương tự, thông tin với PV Infonet qua điện thoại, anh Dương Văn Ngà (SN 1987, trú phường Thuận An, TP Huế - Chủ tàu dịch vụ mang số hiệu TTH-902.23TS) đang trên đường từ ngoài khơi vào bờ cho biết, tàu anh ra khơi cách bờ hơn 130 hải lý để cung cấp nước uống, dầu, thực phẩm… cho các tàu đánh cá ở ngoài khơi, mất 11 ngày lênh đênh trên biển và chỉ thu mua được vài tấn hải sản. Dự kiến trong rạng sáng nay cập cảng. Do xăng dầu tăng nên chuyến này vào bờ chỉ đủ chi phí và trả công anh em đi cùng.
Theo các chủ tàu cá dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết, năm ngoái, mỗi tàu đi chỉ có 3 – 5 ngày và trung bình có trên 20 tấn hải sản vào bờ, nhưng từ đầu năm đến nay, lượng cá thu mua được rất ít và dao động khoảng 4 – 6 tấn khi cập bờ mà phải đi dài ngày mới có. Mặt khác, xăng dầu tăng giá và chi phí mỗi chuyến đi cao dẫn đến lợi nhuận không có, song chủ tàu vẫn phải ra khơi thu mua để duy trì mối làm ăn, giữ và tạo việc làm cho những người cùng làm.
Đưa hải sản vào bờ tại Cảng cá Thuận An (TP Huế). |
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Văn Hải – Hội trưởng Chi hội dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An cho biết, hiện nay chi hội có 50 chiếc tàu (30 chuyên thu mua và 20 chiếc đi đánh bắt) có công suất từ 400 đến 1.000 CV, các tàu đang hoạt động trên biển hàng ngày dù lợi nhuận không cao. Ngoài ra, các tàu vẫn đi biển liên tục, không có tàu nào nằm bờ bởi ''nhiệm vụ'' tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động có việc thường xuyên quanh năm.
“Từ khi thành lập đến nay, Chi hội dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An gặp rất nhiều khó khăn như khi lượng hải sản đánh bắt và thu mua được nhiều, đến lúc vào bờ thì giá hải sản giảm. Chưa đến mùa đánh bắt cao điểm và may là đầu năm nay giá hải sản không giảm, nếu giá hải sản giảm nữa trong lúc giá dầu tăng như thế này thì các tàu rất khó làm ăn”, ông Trần Văn Hải thông tin thêm.
Thủy sản nhiều nhất vào khoảng tháng 6,7 âm lịch hàng năm và sản lượng hải sản có nhiều tiềm năng, đông tàu đánh bắt nhất là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Hà Oai