Hội các bà vợ mê nâng cấp món ăn
Chịu khó học hỏi, sáng tạo món ăn, nâng cấp một món ăn từ bình dân lên sang chảnh, chính là góp phần giữ lửa hạnh phúc.
Năm gia đình chúng tôi thân nhau từ ngày về sống ở xóm này. Chúng tôi mỗi người mỗi quê, về miền đất hứa Sài Gòn lập nghiệp, gặp nhau coi như duyên.
Năm người đàn ông trụ cột sáng đi làm tối về. Năm bà vợ, người đi làm, người ở nhà nội trợ. Chúng tôi dường như tối nào cũng tụ tập. Đàn ông thường nhâm nhi vài ly nói đủ chuyện trên trời dưới đất, rồi về ngủ.
Mấy bà vợ thấy chồng chỉ nhậu ở nhà nên có vẻ yên tâm. Phụ nữ, cái gì cụ thể, rõ ràng trước mắt là tin. Mà từ ngày Nghị định 100 ra đời, kể ra nhậu ở nhà cũng có lý, vì nhỡ độ cồn vượt quá quy định, coi như tiêu cả tháng lương. Chúng tôi nhậu ở nhà không có “các em”, chẳng tốn tiền boa, lại rẻ hơn ở tiệm, không lo đường về xa xôi, nên các bà làm thinh không phản đối. Mà không phải tối nào cũng nhậu, có khi uống nước trà nói chuyện thiên hạ, vợ con đùm đề bên cạnh, hạnh phúc đơn sơ mà thắm nồng.
Ngồi bên nhau, chúng tôi bày hết các tuyệt chiêu nấu nướng. (Ảnh minh họa) |
Ngồi với nhau, thường kể chuyện ngày xưa, nhất là thời bao cấp. Thời đó, mấy khi có thịt cá, chỉ có rau với rau, hết luộc tới xào, nấu canh, rồi ăn sống. Nay thịt heo giá vẫn trên trời, giá thịt luôn làm khó các bà nội trợ có những ông chồng làm công nhân, viên chức như chúng tôi, thế nhưng không phải vì thế mà chúng tôi trung thành với rau. Có lẽ một thời thấm nhuần phương châm “đói ăn rau đau uống thuốc”, ăn riết rồi ghiền. Với cá nhân tôi, bữa ăn có thể thiếu thịt, nhưng rau thì không, một phần vì thích ăn rau, một phần tôi ăn kiêng.
Rau quả, thịt cá bây giờ cũng tha hương theo người. Rau cá quê tôi vào đến Sài Gòn, giá trên trời. Người bán “đánh” tâm lý kẻ xa quê thích ăn đồ quê, nên cứ thoải mái “cắt cổ”. Đúng là rau quê sạch, đất quê cho rau quê hương vị đặc biệt, ai cũng hào hứng mua, về chế biến mỗi người mỗi kiểu.
Ví như rau muống, nếu vợ anh Bằng thích luộc, lấy nước làm canh, thì vợ tôi lại thích xào tỏi, vợ anh Hảo thích nấu canh rau muống với hến. Nhưng chẳng ai vì thích mà trung thành mãi một kiểu chế biến. Vợ tôi dù thích rau muống xào tỏi, nhưng cô ấy vẫn công nhận vợ anh Bằng làm món nước rau muống luộc dầm quả sấu thật ngon đúng điệu.
Mấy bà vợ chịu khó học hỏi, sáng tạo món ăn, nâng cấp một món ăn từ bình dân lên sang chảnh, chính là góp phần giữ lửa hạnh phúc.
Cây xà lách từng là nguyên liệu quen thuộc của những bữa ăn thời gian khó. |
Tôi nhớ hoài món xà lách trộn của mẹ tôi thời bao cấp. Mùa Tết, vườn nhà tôi phủ xanh xà lách tơ non. Ngán ăn sống, mẹ tôi làm món xà lách trộn. Xà lách rửa sạch để ráo, rồi bày ra đĩa, nước mắm chua ngọt rưới lên, trứng gà luộc thái lát, cà chua cũng thái lát mỏng trang trí bên trên, dĩ nhiên không thể thiếu hành phi. Món xà lách trộn của mẹ có màu sắc bắt mắt, vị chua chua ngọt ngọt kích thích vị giác. Món dân dã này đã nuôi sống chúng tôi một thời gian dài.
Hay như món cháo trắng anh Thiều kể, chỉ có gạo với gia vị, nhưng mẹ anh tìm cách “chế” thành món cháo thơm ngon, màu sắc, bằng cách phi màu điều, phi hành tỏi cho thật thơm, rồi rắc lá hẹ thái mỏng lên trên. Đơn giản vậy thôi nhưng là món ăn sáng triền miên của gia đình anh trong những ngày gian khó.
Thịt cá cũng vậy, tất cả đều được nâng cấp không chỉ về chất lượng, mà còn về hình thức. Đừng nghĩ ăn ngon chỉ có tới nhà hàng. Món ăn gia đình tuy dân dã, dù là rau củ, nhưng nếu người phụ nữ tâm huyết với bếp núc, bằng cách này cách khác sẽ “chế” ra những bữa cơm nóng hổi, sáng màu, dậy mùi, quyến rũ.
Nhậu ở nhà cùng nhau, chúng tôi ít khi mua mồi, nhà nào có gì góp nấy. Như ngày kia, vợ anh Bằng bê ra tô canh cua rau đay nghi ngút khói. Chúng tôi ban đầu định uống vài lon bia, nhưng thấy tô canh, liền chuyển sang uống vài chung rượu mới đúng điệu. Hay như món hến xào xúc bánh tráng của vợ anh Hảo, con hến Hội An nho nhỏ nhưng béo ngậy, ta nói ngon đến… nhức xương.
Theo phunuonline.com.vn