Hoạ sĩ Vân Thuyết 58 tuổi mới trình "nàng" thơ
Hoạ sĩ Vân Thuyết 58 tuổi mới trình "nàng" thơ
- Nói đến Vân Thuyết, người ta vẫn biết đến một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc, bây giờ lại ra cả tập thơ nữa. Đây có phải là một bước ngoặt trong cuộc đời nghệ sĩ của ông?
Thực ra tôi làm thơ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều của bố. Bố tôi được giáo dục theo nền Tây học nên thuộc rất nhiều thơ Pháp. Chính ông đã truyền dẫn những kiến thức về thơ ca cho tôi. Chính điều ấy đã kích thích tôi làm thơ. Bài thơ đầu tiên tôi viết là năm học lớp 7. Với tôi, thơ là cảm xúc của tâm hồn và tôi viết ra một cách hết sức tự nhiên.
Nhưng đến năm 1994, hành trình sáng tác thơ của tôi bị gián đoạn. Tôi chuyển sang tập trung cho điêu khắc và hội hoạ, đi theo con đường của bố và anh trai (bố là hoạ sĩ vẽ truyền thần, anh trai Hồng Hưng là hoạ sĩ, nhà văn). Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi chuyên chú vào làm điêu khắc. Còn hội hoạ là do tôi tự mày mò tìm hiểu. Tập thơ Tiệc trần gian này tập hợp những sáng tác từ những năm 70 đến nay, như một chặng đường giúp tôi nhìn lại chính mình.
- Viết thơ đã lâu nhưng lại chọn đúng thời điểm thơ đang rơi vào thực trạng bão hoà, ít người chú ý để công bố. Ông có lo ngại công sức mình bỏ ra sẽ chỉ là “Dã Tràng se cát”?
Tôi làm nghệ thuật hoàn toàn vô thức chứ không nghĩ đến chuyện phải đóng góp, phải được cái gì cả. Hơn nữa, nghệ thuật không bao giờ là dư thừa, không bao giờ cũ và muộn cả. Nếu một tác phẩm chợt có ý nghĩa thì mãi mãi người ta sẽ vẫn quan tâm đến nó. Chỉ sợ rằng nó không hay mà thôi. Còn bão hoà là điều đương nhiên, tất yếu của cuộc sống, nhất là ở thời điểm này, khi người ta thực dụng hơn rất nhiều.
Người nhạc sĩ sáng tác ra một ca khúc không phải để bắt người khác phải nghe. Người nào thấy hay thì tự họ sẽ tìm đến. Với tôi, đôi lúc sẽ thật thiệt thòi nếu một bản nhạc hay mà mình không được nghe, không tìm đến. Đó là tôi có lỗi với chính tôi. Nghệ thuật có vô vàn và muôn thuở. Chỉ sợ không có những tác phẩm hay chứ chẳng bao giờ là muộn, là dư thừa cả.
- “Ôm” một lúc cả điêu khắc, hội hoạ và thơ, ông có sợ cảm xúc của mình bị loãng không?
Tôi lại thấy nó rất tốt cho nhau. Hình như có một sự săng sít nào đó đẩy tâm hồn này lên cái siêu việt. Âm nhạc cổ điển ảnh hưởng rất nhiều đến thơ tôi. Chính chất bác học trong âm nhạc đã làm nên chất nhạc trong thơ. Thơ tôi không có những đau khổ, quằn quại, sướt mướt… là bởi vậy. Nếu chỉ có thơ không mà không có nhạc thì thật là một thiếu xót. Ngoài ra, trong thơ còn có hoạ. Bài thơ phải là một bức tranh, nói lên được vẻ đẹp của cuộc sống, nếu thiếu đi chất hoạ mà chỉ còn thuần tuý chữ nghĩa thì thơ sẽ rất khô, không tạo được sự bay bổng, lãng mạn của cuộc đời. Nhịp điệu trong thơ cũng phải có sự dẫn dắt của âm nhạc thì khi đọc mới dễ nghe, dễ truyền cảm xúc.
Còn điêu khắc thuần tuý là hình khối nên dễ khô khan, nhưng khi có thơ vào thì đường chuyển của đường nét, hình khối sẽ nhịp nhàng, tiết tấu của thơ làm cho nó mềm mại, tươi mát hơn. Đó chính là thơ trong điêu khắc. Thơ có tính khúc chiết, cô đọng, tinh tuý ở ngôn ngữ, đơn giản nhưng mang nặng tính tư tưởng… cũng chính là ảnh hưởng của điêu khắc.
- Cơm áo không đùa với khách thơ. Với ông câu này có đúng?
Thực ra nghệ thuật đã nuôi sống tôi. Với nghệ thuật, dù không giàu có nhưng tôi đủ sống. Tôi luôn tự thân vận động và sống hoàn toàn bằng nghệ thuật. Nhưng cũng có lúc tôi cũng rất khó khăn, rơi vào khủng hoảng. Đó là thời kì cách đây hơn chục năm, tranh vẽ ra không bán được mà nhu cầu của đời sống ngày càng đòi hỏi phải có nhiều tiền. Thế nhưng cái gì cũng vượt qua được. Ngay cả những lúc ấy, tôi cũng không hề có ý nghĩ từ bỏ nghệ thuật. Nghệ thuật với tôi là lẽ sống, là sự nghiệp tôi theo đuổi rồi.
- Xin cám ơn ông!
Hạnh Thúy
Hoạ sĩ, nhà điêu khắc Vân Thuyết sinh năm 1954 tại Hà Nội. Từ 1980 ông đã 6 lần mở triển lãm cá nhân, tham gia vào các triển lãm nhóm trong và ngoài nước và giành nhiều giải thưởng. Nhiều tác phẩm của Vân Thuyết đã được trưng bày tại các bảo tàng như: bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka Nhật Bản; công viên điêu khắc của thành phố Mãn Châu Lý (Trung Quốc). |