Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ASEAN
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Indonesia, Singapore, Việt Nam và Philippines đã được trao giải thưởng trong cuộc thi do Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc (AKC) tổ chức tại khách sạn Shilla ở Seoul vào ngày 20/11.
Cuộc thi được tổ chức bên lề "Tuần lễ ASEAN 2022" nhằm công nhận tiềm năng phát triển của các startup, ý tưởng cải tiến, và truyền cảm hứng cạnh tranh, cũng như đóng vai trò chèo lái sự tăng trưởng kinh tế để tạo ra các thị trường mới.
Cuộc thi tạo nền tảng cho startup của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chia sẻ ý tưởng cải tiến, gặp gỡ các đối tác kinh doanh tiềm năng, tham gia xây dựng năng lực, và tăng cường hệ sinh thái startup giữa ASEAN – Hàn Quốc.
Theo Korea Herald, 14 startup từ Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã trình bày tình hình, mô hình và tiềm năng kinh doanh hiện thời trong cuộc thi thuyết trình trực tuyến, đồng thời trả lời chi tiết những câu hỏi được đưa ra.
Các câu hỏi được dặt ra dựa trên mô hình kinh doanh, chi phí xây dựng, khoản quỹ cần có, doanh thu và dịch vụ đi kèm của các startup.
Filmplace, một nền tảng phim ở Singapore; nhóm Better chuyên cung cấp dịch vụ nguồn nhân lực ở Philippines; Bell Society, nhà sản xuất vật liệu sinh học ở Indonesia; và công ty EQUO của Việt Nam nằm trong số 27 startup được trao giải do ban chuyên gia startup gồm 6 thành viên bình chọn.
Tổng thư ký AKC là ông Kim Hae-yong nhấn mạnh vai trò của 27 startup đến từ các nước thành viên ASEAN hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ truyền thông, công nghệ, y tế, giáo dục và thương mại điện tử.
Theo ông Kim, khác với những năm trước, AKC tổ chức một chương trình xúc tiến xây dựng năng lực cho các startup ASEAN, và đưa chương trình vào thực tiễn.
“Sáng kiến mới là sự đóng góp của AKC nhằm đưa hệ sinh thái startup của Hàn Quốc tới gần hơn với ASEAN”, ông Kim cho hay.
Cũng theo ông Kim, trong tương lai, các startup ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng tại nước nhà thông qua tạo dựng công ăn việc làm và mở rộng thị trường.
Các chuyên gia startup đánh giá cao những startup có ý tưởng cải tiến, thận thiện với thị trường, và huy động hiệu quả các nguồn lực thông qua hàng loạt chiến lược được đưa ra.
Trong thời gian qua, ASEAN đã thông qua hàng loạt chương trình nghị sĩ phát triển liên quan tới startup như Kế hoạch Chiến lược Phát triển SME giai đoạn 2016 – 2025 (SAP SMED 2025).
Tính tới tháng 2/2022, ASEAN là nơi khởi nguồn của hơn 4.000 startup, và là nơi hoạt động của 40 startup kỳ lân (unicorn startup) bao gồm Garena, Gojek, Grab, Lazada, Razer, Tokopedia và Traveloka.
Cũng theo AKC, ASEAN hiện là địa điểm đầu tư phổ biến đối với các nhà đầu tư mạo hiểm với con số kỷ lục 25,7 tỉ USD vào năm 2021 cho lĩnh vực startup, công nghệ tài chính và logistic của ASEAN.
“Con số vào năm 2021 đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020, khi mà các startup chỉ gọi vốn được 9,4 tỉ USD”, AKC cho hay.
Trên thực tế, Hàn Quốc đang nổi lên là đối tác hỗ trợ quan trọng đối với những nỗ lực phát triển startup của ASEAN.
AKC đã tổ chức “Tuần lễ Startup ASEAN – Hàn Quốc” trong 4 năm liên tiếp. Trong sự kiện tổ chức lần thứ 5, AKC sẽ tập trung vào cơ hội xây dựng năng lực cho các startup ASEAN, và đề xuất các nền tảng mạng lưới kết nối với các hệ sinh thái startup ở những nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc.
Cuộc thi tranh tài khởi nghiệp do AKC tổ chức đang được kỳ vọng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hệ sinh thái startup và người chơi tại ASEAN và Hàn Quốc, cũng như đưa các startup ASEAN và Hàn Quốc vào thị trường toàn cầu.
Minh Thu